Những ngày gần đây, thông tin Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Viễn Phú (đơn vị sở hữu thương hiệu gạo hữu cơ Hoasuafoods) rao chuyển nhượng dự án nông nghiệp hữu cơ ở Cà Mau làm nhiều người bất ngờ. Sau 15 năm xây dựng, ông Võ Minh Khải đã tạo ra được môi trường nông nghiệp và thủy sản hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam với chứng nhận hữu cơ toàn cầu của USDA (Mỹ) và EU từ năm 2012, nhưng nay đành dứt lòng rao bán…
Ông Võ Minh Khải (giữa) giới thiệu cánh đồng lúa hữu cơ với đối tác với ngoài
Nhiều tâm huyết
Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Viễn Phú (Công ty Viễn Phú) chính thức thông báo bán và chuyển nhượng 320ha đất và dự án nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau từ ngày 9-6. Đây là diện tích đất đang làm nông nghiệp hữu cơ. Trang trại sản xuất gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, sản xuất theo quy trình khép kín. Hệ thống kênh mương thẳng tắp và thả nhiều cá phía dưới; nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất lúa hữu cơ được thiết kế rất bài bản, liên hoàn giữa từng ô; khâu canh tác được cơ giới hóa, có nhà máy xây xát, sân phơi, kho bảo quản… Điều đặc biệt trong quá trình sản xuất gạo tại đây không bao giờ sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Về mặt hàng gạo, Công ty Viễn Phú có gạo đen, gạo trắng, gạo đỏ hữu cơ. Ngoài ra, công ty này cũng sản xuất các loại rau hữu cơ như cải thìa, húng quế, ngò ôm; thủy sản hữu cơ như cá lóc, cá rô phi… Thương hiệu gạo Hoasuafoods cũng có hệ thống phân phối rộng khắp, tại các tỉnh, thành phía Nam.
Để trở thành trang trại gạo hữu cơ giữa “bốn bề là tràm” như hiện nay là một việc làm kỳ công. Ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú, chia sẻ: “Vùng đất này trước đây toàn năn, lác, sậy và nhiễm phèn rất nặng, đường vào cũng không có. Vì vậy, tôi phải bỏ công nhiều công sức, tiền của ra cải tạo, đào mương, kê liếp xổ phèn, phát hoang cỏ dại. Khi làm thì đất cũng không phụ lòng người. Sau nhiều năm cải tạo, đất cũng nở hoa”. Ban đầu, ông Khải đã bỏ ra hơn 30 tỷ đồng và mất ba năm ròng rã để cải tạo vùng lau sậy hoang vu này thành trang trại bằng phẳng, với cơ sở hạ tầng hiện đại, lúa rau xanh tốt. Đến nay, số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất gạo hữu cơ của ông Khải đã lên trên 70 tỷ đồng. Ông Khải cũng cho biết, không chỉ dày công gầy dựng trang trại của mình thành cánh đồng lúa hữu cơ mà công tác xây dựng thương hiệu cũng đặc biệt chú trọng. Trang trại của Công ty Viễn Phú tạo được môi trường nông nghiệp và thủy sản hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận hữu cơ toàn cầu của USDA (Mỹ) và EU (năm 2012).
Khó khăn tứ bề
Phải “dứt ruột” bán đi dự án tâm huyết của mình, điều ông Khải trăn trở là trong khi nông nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập thì các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sạch lại không nhận được nhiều hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình xây dựng trang trại gạo hữu cơ, Công ty Viễn Phú cũng gặp khó khăn nhất định, nhất là việc tiếp cận vốn. Theo ông Khải, từ ngày thành lập dự án đến nay, doanh nghiệp chưa được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay ưu đãi nhằm tháo gỡ về vốn để công ty có kế hoạch sản xuất ổn định và phát triển xuất khẩu.
Nhiều người quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp cho rằng ông Khải là người tiên phong trong sản xuất hữu cơ, có tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ và sau nhiều năm theo đuổi đã tạo được thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ Hoasuafoods. Việc rao bán/chuyển nhượng này là điều đáng tiếc mà nguyên nhân một phần là do thiếu sự động viên, ủng hộ từ các phía có liên quan. Trước đây, vào năm 2014, Công ty Viễn Phú được Chính phủ cho thí điểm xuất khẩu gạo hữu cơ đến hết năm 2015. Chính phủ cũng giao Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng, thủ tục xuất khẩu theo quy định. Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá việc thí điểm này, để xuất phương hướng điều hành cho giai đoạn tiếp theo… Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo của Công ty Viễn Phú không đạt kế hoạch đã đăng ký với cơ quan chức năng.
Mặc dù vậy, năm 2016, Công ty Viễn Phú vẫn tiếp tục sản xuất 250ha (1 năm sản xuất được hai vụ), sản lượng khoảng 1.000 tấn gạo. Mới đây, Công ty Viễn Phú cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho công ty theo trường hợp đặc thù, để công ty xây dựng kế hoạch xuất khẩu dài hạn cho những năm tiếp theo, do hết hạn thí điểm xuất khẩu.
Liên quan đến những kiến nghị của Công ty Viễn Phú, UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã có công văn gửi Bộ Công thương. Tại công văn này, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích công ty mở rộng đầu tư sản xuất và xuất khẩu gạo hữu cơ, sản phẩm đặc thù có chất lượng cao theo đúng chủ trương khuyến khích của nhà nước về hướng bền vững để nâng cao giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế… Chính vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với xuất khẩu mặt hàng gạo hữu cơ và cho chủ trương để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho Công ty Viễn Phú. |
NGỌC CHÁNH