Bộ phim Tuyết nhiệt đới đang được trình chiếu trên HTV9 với những tình tiết ngày càng lãng mạn đúng như đã được giới thiệu. Xét về khía cạnh nào đó, các chi tiết lãng mạn trong phim có thể được người xem chấp nhận.
Tuy nhiên, chi tiết nhân vật Hải dùng xe máy để đưa Hằng đi Đà Lạt chụp ảnh để có những thước phim lãng mạn sau đó (xe hư dọc đường nên hai nhân vật “có dịp” đẩy xe, ngồi xe ngựa và hát karaoke, chạy vào rừng sâu để có những cảnh chụp đẹp...) là không thuyết phục.
Cả một chặng đường dài từ Sài Gòn đến Đà Lạt, hai người không có ai sử dụng kính mắt, khẩu trang, mũ bảo hiểm hay chiếc nón vải thông dụng. Chưa kể cô người mẫu này lại mặc váy và ngồi nghiêng cả buổi với chiếc ba lô to xù!
Thiết nghĩ các nhà làm phim, bên cạnh việc không quên lồng giới thiệu cho S-Fone hay PNJ (nhà tài trợ cho phim) cũng đừng quên đưa hình ảnh đội mũ bảo hiểm vào phim, vừa hợp lý vừa tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông.
NGUYỄN THỊ NGỌC UYÊN
(Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Người chết sao còn nhớ lại được?
Báo Nhân Dân hàng tháng số 116 ra tháng 12-2006, trong bài: Nhớ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” có đoạn viết: “Cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, một trong số chứng nhân của thời điểm lịch sử trọng đại của nước nhà, nhớ lại trong hồi ức của mình…”.
Từ “cố” ở đây có nghĩa chỉ người đã chết rồi (quá cố) thì làm sao còn “nhớ lại trong hồi ức của mình” được? Trường hợp này nên chăng có thể viết là: “Lúc sinh thời, nhà văn…” thì người đọc dễ hiểu hơn.
Đây không phải lần đầu chúng tôi đọc thấy trường hợp này mà rải rác đây đó ở một số báo chí hoặc các ấn phẩm khác cũng có những trường hợp dùng sai chữ tương tự.
LÂM THAO
(Đường Âu Cơ, Q.Tân Bình)