Phải có những chính sách giúp người nghèo tiếp cận cơ hội phát triển

Người nghèo có nhiều, nhưng đối tượng ngày càng đông thêm là những nông dân mất đất để làm các khu công nghiệp, dịch vụ, sân golf. Dẫu biết rằng họ được đền bù cho là thỏa đáng đi nữa, thì sau khi họ ôm một cục tiền ngoài việc xây nhà, sắm xe… tiếp đến họ và con cháu của họ sẽ sống thế nào, thật là một viễn cảnh mịt mờ.

Có một số việc gần đây rất khó hiểu, gây băn khoăn, khi thuế thu nhập xe hơi nguyên chiếc tăng lên 83%, thì tại nhiều diễn đàn việc này được quan tâm mổ xẻ, bức xúc, thậm chí phiền trách, khá tốn nhiều thời gian, giấy mực… trong khi đó giá phân bón vật tư cho nông nghiệp tăng chóng mặt thì sự quan tâm cảm thông cho đầu vào của việc đồng áng mưu sinh của nông dân nghèo có phần mờ nhạt hơn.

Gần đây, trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, vấn đề an ninh lương thực của nước nhà đặt cho những người hoạch định chính sách sự lựa chọn giữa sân golf và ruộng lúa?! Dẫu biết rằng phát triển kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, tuy nhiên chiếc bánh tăng trưởng lại không thể chia đều cho mọi người, người giàu có nguồn lực, điều kiện sẽ hưởng lợi nhiều hơn.

Chúng ta không ngây thơ chủ trương cào bằng theo lối bình quân chủ nghĩa mà muốn thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, công bằng trong thụ hưởng phúc lợi xã hội. Để đạt được điều này không chỉ bằng việc làm từ thiện mà phải bằng các chính sách tạo bình đẳng về cơ hội, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt hơn với thành quả phát triển.

Có một thí dụ, để giải quyết những vấn đề như vậy, kinh nghiệm một số nước đi trước họ buộc các chủ đầu tư sau khi thu hồi đất của nông dân để làm các mục đích khác phải cam kết đào tạo, tiếp nhận những người trong độ tuổi lao động, còn có khả năng đào tạo.

Tiền đền bù không trả hết cho nông dân mà để lại một phần coi như nông dân là cổ đông của doanh nghiệp. Đa số những người già chưa đến tuổi nghỉ hưu, không có tay nghề tham gia vào đội quân lao động phổ thông, lo bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, khu dịch vụ như trồng, chăm sóc cây xanh, lo vệ sinh môi trường… nghĩa là họ tận dụng tối đa sức lao động của những nông dân này để sinh lợi cho bản thân nông dân và cho cộng đồng.

Hiện nay theo đề án của Viện Kinh tế TP đang thí điểm thực hiện theo phương thức này. Rất mong các ngành chức năng theo dõi, nghiên cứu, rút ra những bài học tốt để nhân rộng.

Những chính sách này phải làm mạnh và cương quyết đưa vào luật đầu tư, có sự cam kết với nông dân bằng những hợp đồng trách nhiệm, hợp đồng kinh tế. Có làm như vậy nông dân nghèo mất đất mới thật sự không bị gạt ra bên lề sự phát triển.

Diệp Văn Sơn

Tin cùng chuyên mục