Phải đảm bảo quyền khám, chữa bệnh của người dân

Phải đảm bảo quyền khám, chữa bệnh của người dân

LTS: Bệnh viện tại các thành phố lớn đang chứng kiến sự quá tải khủng khiếp. Câu hỏi người dân “thích” khám bệnh vượt tuyến có khó trả lời? Với thực trạng cơ sở y tế nhiều nơi như hiện nay và cung cách quản lý, điều hành, phục vụ trong điều kiện bệnh viện quá tải, yếu kém, làm thế nào đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân? Nhiều bạn đọc đã gởi ý kiến về vấn đề gây nhiều bức xúc này đến Báo SGGP.

Người dân chờ khám bệnh ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. Ảnh: B.K.

Người dân chờ khám bệnh ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM. Ảnh: B.K.

  • Không khó giải bài toán khó

Sau khi đến thăm những khoa, phòng chật kín bệnh nhân tại các bệnh viện ở TPHCM sáng 28-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét: “Có thể nói chẳng có ở nước nào bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường như ở nước ta. Với thực trạng quá tải như thế này, chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ và không thể phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên sâu”. Đây không phải là chuyện nóng hay chuyện mới, mà người dân đã phải chứng kiến và chịu đựng từ nhiều năm nay.

Vì sao có tình cảnh đau lòng như vậy? Chúng ta vẫn tự hào có hệ thống y tế rộng khắp đến cơ sở phường - xã. Tuy nhiên số lượng bệnh viện và số giường bệnh vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Sự phân bố số bệnh viện không đều, nhiều bệnh viện ở huyện, thậm chí ở tỉnh quá yếu kém về chất lượng điều trị. Sự mất cân đối này khiến nhiều người bệnh không tin cậy những bệnh viện tuyến dưới, làm cho các bệnh viện ở các thành phố lớn, tuyến trung ương thường xuyên bị quá tải.

Đây là một bài toán dễ hình dung cách giải: củng cố y tế cơ sở, xây thêm bệnh viện, đầu tư thêm thiết bị y tế, tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực y tế, phát triển y tế chuyên sâu, trang bị những trang thiết bị hiện đại và áp dụng những kỹ thuật điều trị mới. Thế nhưng lại là bài toán rất khó vì đòi hỏi kinh phí khổng lồ, vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu?”. Rõ ràng bản thân ngành y tế không thể giải quyết được, mà phải xem đây là vấn đề “quốc gia đại sự”. Kinh phí xây thêm chừng 100-200 bệnh viện có quá lớn không? Nếu mỗi tỉnh xây thêm vài bệnh viện trên đất công, hẳn không phải là việc quá sức, điều đáng lo là gánh nặng chi phí hoạt động lâu dài và thiếu nhân sự đáp ứng đủ chuyên môn.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân không phải là hoạt động kinh doanh nên đương nhiên vẫn phải có nguồn chi ngân sách. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa. Các bệnh viện tư vẫn hoạt động có lãi lớn mặc dù chi phí khám bệnh, điều trị và lưu trú rất cao. Điều đó cho thấy một khi bệnh viện công cũng chăm sóc chu đáo, ân cần và chất lượng điều trị cao thì không lo thu không đủ bù chi.

Nước ta đã từng tính đến chuyện vay vốn đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam với kinh phí đến 56 tỷ USD trong khi khó có khả năng thu hồi vốn. Vậy tại sao chúng ta không thể dồn sức, dồn vốn và vay vốn đầu tư phát triển mạng lưới khám chữa bệnh?

Nguyễn Minh Thảo (TPHCM)

  • Không nên hạn chế quyền được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh

Thưa Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mời bà đi thị sát những bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới để hiểu rõ hơn nỗi niềm của bệnh nhân khi phải chọn lựa phương án đi xa, tốn tiền, tốn thời gian để được khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trực thuộc trung ương và TPHCM.

Ở bệnh viện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, nơi mới được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị… nhưng điều kiện khám chữa bệnh, làm các xét nghiệm, chẩn đoán so với bệnh viện tỉnh và ở TPHCM thì còn thua xa. Ba tôi già yếu, gần 90 tuổi và bị đủ thứ bệnh phải nhập viện cấp cứu. Thế nhưng, không thể tin được là từ phòng nằm ở tầng 4 muốn xuống tầng 1 làm các xét nghiệm, cha tôi phải có người cõng vì thang máy mới làm đã hỏng. Còn người nhà của tôi bị bệnh thì nằm hoài, bệnh viện huyện cũng không chẩn đoán ra bệnh gì, buộc phải tự chuyển viện vào TPHCM và họ tìm ngay ra bệnh nhờ các thiết bị chẩn đoán hiện đại.

Đó là chưa kể sự tắc trách của một bộ phận y, bác sĩ ở tuyến dưới chưa hết lòng vì bệnh nhân. Mong Bộ trưởng hãy đi thị sát ở các cơ sở y tế tuyến dưới thuộc các huyện của tỉnh, để hiểu rõ thực trạng ngành y tế nước nhà còn lạc hậu như thế nào cũng như nỗi niềm của bệnh nhân không có điều kiện tiếp cận với cơ sở, trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại như ở các đô thị lớn.

Bộ trưởng Y tế siết chặt việc chuyển viện, nhập viện thì người bệnh ở các vùng nghèo, tỉnh xa không có quyền được chọn lựa nơi khám chữa bệnh theo nhu cầu và nếu chẳng may họ bị tử vong vì nguyên nhân chưa định được bệnh thì ai chịu trách nhiệm.

Nguyễn Thị Thủy (Khánh Hòa)

  • Tạo bình đẳng trong thụ hưởng chính sách

Đọc bài viết “Giải bài toán quá tải bệnh viện – Siết chuyển viện, nhập viện” - người dân và bệnh nhân chia sẻ với bức xúc, day dứt của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến các bệnh viện của TPHCM. Đúng là có đi thị sát thực tế, Bộ trưởng mới thấu hiểu tình cảnh người bệnh cũng như áp lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế của mình. Tình cảnh bệnh nhân nằm vạ vật ở hành lang, dưới đất, có giường nằm 2-3 người và người đến khám bệnh chen lấn nhau đến ngộp thở, cho thấy ngành y tế đang bộc lộ quá nhiều bất cập.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng quá tải ở các Bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1 là do 60% bệnh nhân từ các tỉnh đổ về. Trước nhu cầu lựa chọn khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân ở các tỉnh, dự báo các bệnh viện ở TPHCM tiếp tục quá tải và tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn. Đúng là sự vượt tuyến của nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT thể hiện sự bất ổn và cần chấn chỉnh. Thế nhưng, trong nhiều giải pháp mà Bộ trưởng đề nghị thì giải pháp hành chính “siết chặt chuyển viện, nhập viện” liệu có giải quyết được bài toán quá tải. Xin Bộ trưởng hãy tìm giải pháp đột phá, tạo sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách y tế nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng bằng cách đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao tay nghề đội ngũ y bác sĩ… Khi đó, khỏi phải trám lỗ hổng bất ổn vượt tuyến.

Khám chữa bệnh là nhu cầu và chọn lựa cơ sở y tế có uy tín là quyền của người dân, người có thẻ BHYT. Sở dĩ, nhiều người bệnh chọn vượt tuyến, tìm đến những bệnh viện chuyên khoa có tên tuổi là do họ không tin tuyến y tế cơ sở vì thiếu điều kiện khám chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ chưa đủ chuẩn, kinh nghiệm.

Hà Chi (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục