Doanh nghiệp ngành viễn thông gia nhập WTO

Phải hợp tác, liên kết

Phải hợp tác, liên kết

Hai cuộc triển lãm quốc tế về CNTT - Viễn thông và về sản phẩm điện tử 2006 do Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Dịch vụ triển lãm Adsale (Hồng Công) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế TPHCM từ 13 đến 16-9-2006. Trước sự kiện này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Hoàng Vinh, Phó Tổng giám đốc VNPT và ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện của VNPT xung quanh những thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) ngành viễn thông (VT) Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới.

- PHÓNG VIÊN:
Triển lãm năm nay có gì mới, thưa ông?

- Ông BÙI QUỐC VIỆT:
Triển lãm năm nay có thêm nhiều tên tuổi mới của các DN, tập đoàn lớn trên thế giới đến từ 21 nước. Phong cách tổ chức triển lãm mang tính chuyên nghiệp hơn.

Phải hợp tác, liên kết ảnh 1
“Chiếc bánh” thị trường dịch vụ ĐTDĐ ở Việt Nam hiện nay.

Triển lãm giới thiệu toàn diện các thiết bị và công nghệ mạng, liên lạc vệ tinh, mạng băng thông rộng, mạng viễn thông di động, cáp và các thiết bị liên quan khác, các loại máy vi tính, sản phẩm, phụ kiện nghe - nhìn, các dụng cụ gia đình, đồ điện tử cá nhân, linh kiện điện tử, trò chơi điện tử, các thiết bị an ninh, tự động hóa cho văn phòng,... Đặc biệt là các giải pháp tích hợp dịch vụ cung cấp nội dung thông tin trên thiết bị di động, giải pháp cung cấp dịch vụ gia tăng giá trị, dịch vụ nội dung trên mạng, các giải pháp tích hợp VT – CNTT - Phát thanh - Truyền hình.

Song song với hoạt động triển lãm là các cuộc hội thảo chuyên đề. Bộ Bưu chính - Viễn thông Việt Nam sẽ chủ tọa một diễn đàn về hiện trạng và dự báo phát triển ngành công nghiệp CNTT – VT Việt Nam.

- Tại các cuộc triển lãm, phần trưng bày gian hàng thường rất sôi động, song phần hội thảo thì thuyết trình nhiều, còn thảo luận chẳng bao nhiêu!

- Ông BÙI QUỐC VIỆT: Đây là một trong những vấn đề khó trong khâu tổ chức. Trong các hội thảo trước, đa số các diễn giả thuyết trình, ít ý kiến phản biện. Năm nay, khách muốn tham quan triển lãm, hội thảo và đăng đàn hội thảo, có thể đăng ký tham gia qua trang web www.ictexhibitions.com.vn. Mọi người cũng có thể tham gia phản biện, đóng góp các ý kiến trực tuyến trên trang web này. Các diễn giả cũng sẽ cung cấp địa chỉ để trao đổi với các ý kiến phản biện.

- Các triển lãm lớn thường là cuộc độc diễn của các DN nước ngoài, đâu là dấu ấn của DN Việt Nam tại triển lãm lần này?

- Ông BÙI QUỐC VIỆT: Triển lãm lần này có sự tham gia của nhiều thương hiệu trong nước, như VMS, GPC, SPT, VTI, EVN Telecomp, Comtec, QD-Tek, Tiên Phong, Việt Hồng Hà, Thái Sơn,… VNPT cũng sẽ có cuộc trình diễn thương hiệu ấn tượng.

- Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự việc tranh chấp giữa các mạng viễn thông mới và các mạng của VNPT. Quan điểm hợp tác của VNPT như thế nào?

- Ông LÂM HOÀNG VINH:
Quá trình đấu nối, phối hợp, khai thác giữa các nhà cung cấp dịch vụ có những phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, như công nghệ, kỹ thuật, mạng lưới, thiết bị, thể lệ, thủ tục khai thác, trách nhiệm với khách hàngï... Trong quá trình triển khai đấu nối giữa các mạng, xuất hiện những vướng mắc là điều tất yếu, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) mới cùng phát triển không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích của VNPT, vì VNPT xác định những DN mới đó cũng chính là khách hàng của mình. Vấn đề quan trọng là trong quá trình phát triển, các DN mới cần thực sự quan tâm tới chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, dự báo được nhu cầu phát triển và thống nhất kế hoạch mở rộng mạng lưới để VNPT nắm bắt và có kế hoạch đầu tư mở rộng dung lượng đường truyền đáp ứng tiến độ.

- Có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi Việt Nam gia nhập WTO, các đối tác nước ngoài sẽ nhảy vào thị trường viễn thông Việt Nam và đè bẹp các DN trong nước. Trước tình hình này, các DN Việt Nam phải làm gì?

Phải hợp tác, liên kết ảnh 2
Thị phần Internet Việt Nam hiện nay.

- Ông LÂM HOÀNG VINH: Gia nhập WTO, các DN Việt Nam có điều kiện thuận lợi hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các tập đoàn viễn thông của các nước phát triển trong việc khai thác và phát triển dịch vụ viễn thông. Qua đó, các DN trong nước có thể nhanh chóng tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm, bí quyết quản lý và phát triển thị trường từ các đối tác, đồng thời có thể tiếp cận các dự án đầu tư có vốn lớn, kỹ thuật cao và hợp tác để nghiên cứu phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ tiên tiến.

Các DN ngành viễn thông trong nước cần phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khuyếch trương sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm đối tác; nắm vững các quy định, luật lệ quốc tế về XNK; cải cách hành chính và thay đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp với môi trường mở cửa, cạnh tranh; đào tạo và tái đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ… Các DN phải tích cực hợp tác liên kết, luôn có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với DN chủ đạo của nhà nước để bảo đảm cùng phát triển trên cơ sở bình đẳng, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng chung của đất nước.

Về mặt nhà nước, cần tạo những hành lang pháp lý phù hợp cho các DN cùng nhau phát triển và cạnh tranh lành mạnh; phân tách rõ ràng giữa việc cung cấp các dịch vụ thương mại với các dịch vụ công ích và phổ cập đại chúng, phi lợi nhuận; cụ thể hóa các lĩnh vực cũng như các DN sản xuất cung cấp dịch vụ thương mại, với cung cấp dịch vụ phổ cập, công ích. 

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục