Phải thoát khỏi “ao làng”

Đoàn thể thao Việt Nam đạt chỉ tiêu SEA Games 27 là đứng thứ 3 toàn đoàn và vượt chỉ tiêu HCV. Trong khi đó, nước chủ nhà Myanmar vuột mục tiêu… 100 HCV mà họ đề ra khi đăng cai. Các nhà quản lý nhận định, thể thao Việt Nam tiếp tục giữ ổn định ở khu vực với vị trí thứ ba, vốn đã có được ở nhiều kỳ SEA Games trước. Với các VĐV, họ xứng đáng được khen ngợi khi đã nỗ lực thi đấu để có được thành tích tốt nhất. Nhưng khi đón vinh quang trở về thì SEA Games vẫn là dấu chấm hỏi lớn cần trả lời nhằm định hướng cho thể thao nước nhà. Liệu có nên đầu tư cho SEA Games để tiếp tục giữ vị trí thứ ba khu vực?

Đoàn thể thao Việt Nam đạt chỉ tiêu SEA Games 27 là đứng thứ 3 toàn đoàn và vượt chỉ tiêu HCV. Trong khi đó, nước chủ nhà Myanmar vuột mục tiêu… 100 HCV mà họ đề ra khi đăng cai. Các nhà quản lý nhận định, thể thao Việt Nam tiếp tục giữ ổn định ở khu vực với vị trí thứ ba, vốn đã có được ở nhiều kỳ SEA Games trước. Với các VĐV, họ xứng đáng được khen ngợi khi đã nỗ lực thi đấu để có được thành tích tốt nhất. Nhưng khi đón vinh quang trở về thì SEA Games vẫn là dấu chấm hỏi lớn cần trả lời nhằm định hướng cho thể thao nước nhà. Liệu có nên đầu tư cho SEA Games để tiếp tục giữ vị trí thứ ba khu vực?

Bất hợp lý đầu tiên của thể thao khu vực là thành tích SEA Games hầu như không có tính liên thông với các giải đấu cao hơn như Asiad hay Olympic. Các môn thi đấu ở SEA Games luôn thay đổi theo quốc gia tổ chức, thành tích huy chương cũng phụ thuộc phần lớn vào các môn thay đổi xoành xoạch này. Có thể nói, thành tích ổn định nhất Đông Nam Á đến nay vẫn là Thái Lan, Singapore, Việt Nam. Tuy nhiên, điều khác biệt là Thái Lan và Singapore luôn có tính ổn định ở các giải đấu cao hơn, nhất là Asiad và cả Olympic, trong khi chúng ta lại không có được điều đó. Với trung bình 70 HCV ở mỗi kỳ SEA Games nhưng ở Asiad lần trước, dù đã hết sức cố gắng chúng ta cũng chỉ có được 1 HCV của karate. Nhiều người đã lo lắng “thành tích” này sẽ tiếp tục lặp lại ở Asiad năm sau nếu ngành thể dục thể thao không sớm thay đổi định hướng của mình.

Việc Singapore công bố SEA Games 28 do họ đăng cai tổ chức sẽ tập trung vào những môn Olympic nên được xem là tín hiệu tích cực. Dù chúng ta có mất đến 9 môn sở trường nhưng bù lại sẽ có cơ hội tập trung đầu tư vào các bộ môn Olympic. Singapore, thậm chí Philippines hiện có những môn rất mạnh, có thể đạt thành tích Olympic như bóng bàn, bơi lội, quyền anh... Và họ cũng chấp nhận “buông” sân chơi SEA Games, không hề đặt mục tiêu cạnh tranh huy chương ở giải đấu này. Tại SEA Games vừa kết thúc, chúng ta có những bước tiến lớn ở những môn cơ bản như điền kinh, bơi, bắn súng, trong đó ít khi nào bộ môn điền kinh lại có được lực lượng hùng hậu và có chiều sâu như hiện nay. Chúng ta cũng không hiếm VĐV có thành tích đạt chuẩn Olympic như Thanh Phúc, Ánh Viên, Hoàng Quý Phước… nhưng khi tham dự đấu trường này thì phần lớn thất bại. Theo lý giải của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, sở dĩ có nghịch lý này là do ngành thể dục thể thao đang dồn nguồn lực cho mục tiêu SEA Games chứ không phải chúng ta không thể vươn lên tầm châu lục hay Olympic.

Không kể đến bóng đá nam hay một vài môn có phần “ảo tưởng” như futsal, chúng ta vẫn có tiềm lực ở những môn cơ bản như đã nói. Vấn đề là từ bây giờ, ngành thể thao có dám mạnh dạn chuyển mục tiêu đầu tư, vừa đỡ tốn kém cho SEA Games, vừa tiếp cận được trình độ phát triển chung? Đây là điều không phải nên mà cần làm ngay nếu không muốn chúng ta tiếp tục lệ thuộc vào “ao làng”.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục