Cung không đủ cầu, năm nay ca cao thiếu hụt khoảng 160.000 tấn, dự báo đến năm 2020 thiếu 1 triệu tấn. Việt Nam (VN) ở gần khu vực tiêu thụ chocolate có mức tăng trưởng nhanh gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia với 2,8 tỷ người, nhưng chỉ cung cấp khoảng 5.000 tấn/năm.
Thiên thời, địa lợi...
Ngay từ đầu, cây ca cao đã được nhiều tổ chức nước ngoài như ACDI/VOCA, SucessAliance… tư vấn về giống, kỹ thuật, đặc biệt tập cho người dân thói quen lên men sau khi thu hoạch để nâng cao chất lượng cũng như áp dụng các tiêu chuẩn để có giá thành cao hơn. Nhờ đó, vài năm qua dù lượng xuất khẩu chỉ từ vài trăm tấn lên vài ngàn tấn, nhưng giá trị hạt ca cao VN luôn vượt qua Indonesia, nước có sản lượng thứ 3 thế giới (chỉ bán hạt thô), được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil. Mới đây, Puratos Grand-Palace VN nhận giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Paris (Pháp), nguyên liệu từ những hạt ca cao Bến Tre.
Ngoài Chính phủ Hà Lan tài trợ chương trình hợp tác công - tư (PPP) cây ca cao, còn có các tổ chức như USDA và USAID (Hoa Kỳ), JICA (Nhật), AID (Australia), DANIDA (Đan Mạch), GIZ (Đức)… hỗ trợ và sự tham gia của nhiều tổ chức phi chính phủ: Helvetas, ACDI/VOCA, Oxfam, Winrock International; cùng các đối tác công nghiệp như UTZ, IDH, WCF, Solidaridad… Nước ngoài có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng cây ca cao VN nhưng trong nước, niềm tin vào cây trồng này chưa nhiều. Các tập đoàn kinh doanh, chế biến ca cao như Cargill (Mỹ), Mars (Mỹ, với thương hiệu chocolate M&M’s nổi tiếng), Puratos Grand Place (Hà Lan), Armajaro, Touton, Ecom… có mặt ở các vùng trọng điểm để cùng thực hiện dự án PPP. Như Mars xây dựng Trung tâm Phát triển ca cao tại xã Cư Huê, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) để chuyển giao cây giống, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Cargill có trạm thu mua và tư vấn kỹ thuật tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột. Tại tỉnh Bến Tre, Puratos Grand Place VN xây dựng nhà máy thu mua và sơ chế ca cao cùng với Cargill VN và các đối tác khác hỗ trợ, tư vấn quy trình chăm sóc cho bà con. Có người thắc mắc, giữa các công ty luôn có sự cạnh tranh nhưng ở đây chỉ thấy sự liên kết? Anh Đinh Hải Lâm, Giám đốc Chương trình Phát triển ca cao của Mars VN, cho biết, đây là giai đoạn tiền cạnh tranh, các công ty cùng hợp tác để cây ca cao VN có thể phát triển.
Nhưng chưa nhân hòa
Nhu cầu tiêu thụ ca cao thế giới khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó, các nước châu Á nhập khẩu khoảng 500.000 tấn ca cao/năm để chế biến các sản phẩm chocolate, chủ yếu từ các nước Tây Phi, Trung và Nam Mỹ. Trong số đó, VN cung ứng khoảng 5.000 tấn hạt. Trung Quốc, quốc gia đông nhất thế giới đã vượt doanh số 1 tỷ USD/ năm về chocolate. Hơn nữa, Trung Quốc cùng với Ấn Độ và Indonesia với 2,8 tỷ người, lượng sử dụng chocolate chỉ đạt 0,06kg/người/năm, và Nhật Bản 1,8kg/người/năm, so với các nước châu Âu và Hoa Kỳ 8kg/người/năm. Nhu cầu chocolate khu vực này còn tăng hơn khi kinh tế phát triển. Vì vậy, các nhà kinh doanh thế giới nhận định, đây là khu vực tiêu thụ mới của ngành ca cao. Nhưng nguồn cung ca cao không tăng kịp, năm nay thiếu hụt khoảng 160.000 tấn do vùng Tây Phi không thể đảm bảo vì bất ổn chính trị và ca cao già cỗi. Theo dự báo của Đại học Gent (Bỉ), năm 2020 sẽ thiếu 1 triệu tấn ca cao. Các nhà kinh doanh thế giới nhìn ra vị thế đắc địa của VN, nơi cung cấp hạt ca cao mới đầy tiềm năng cho khu vực này.
Tuy nhiên, do “nhân” chưa thể “hòa” nên cây ca cao VN, dù được kỳ vọng, nhưng phát triển không như mong muốn. Kế hoạch năm 2020 giảm từ 50.000ha xuống còn hơn 30.000ha. Hiện nay ca cao có hơn 22.000ha, tập trung nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hơn 11.000ha, còn lại ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Chỉ khoảng 30% diện tích trồng ca cao đạt yêu cầu kỹ thuật nên tính hiệu quả có sự khác biệt, người dân dễ bị dao động khi thất bại hay giá cả lên xuống. 2013 là năm có sự biến động mạnh về diện tích. So với năm 2012, diện tích ca cao giảm hơn 3.500ha, do trồng một số nơi không thích hợp (nhiễm mặn, thiếu nước tưới và không có điều kiện đầu tư). Diện tích cây ca cao chết do nhiễm mặn chủ yếu tại Bến Tre (536ha).
Việc đốn bỏ cây ca cao xảy ra nhiều năm nay do trồng manh mún, chưa am hiểu quy trình, thiếu đầu tư chăm sóc làm năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2013, việc đốn bỏ cây ca cao tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 tại Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Đăk Nông. Thời điểm đó giá mua ca cao xuống 35.000 - 39.000 đồng/kg hạt khô lên men, trong khi giá một số cây trồng có tính cạnh tranh cao hơn (bưởi da xanh 65.000 đồng/kg, cà phê 40.000 đồng/kg, dừa 8.000 đồng/trái).
Từ tháng 9 đến nay, tình trạng này không còn xảy ra do giá ca cao lên 50.000 - 55.000 đồng/kg hạt khô (khoảng 4.300 - 4.500 đồng/kg trái tươi) và giá bưởi da xanh, dừa, cà phê có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, niềm tin vào cây ca cao của người dân chưa nhiều, nhất là do chăm sóc chưa phù hợp nên hiệu quả không như mong muốn, mặc dù vẫn có không ít mô hình trồng hiệu quả như cách làm của chị H’Bim B. Krông buôn Krông, xã Yang Tao, huyện Lăk, Đăk Lăk nhờ ca cao mà cuộc sống gia đình thay đổi rõ nét. Hay như bác Nguyễn Văn Túy, ấp Phú Hòa, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre, với 190 cây cho trái, đạt 4,3kg hạt ca cao khô/cây/năm xen trong vườn dừa, thu nhập gấp đôi so với trồng dừa. Sự giống nhau ở đây là thường xuyên thăm vườn, giải quyết sớm sâu bệnh khi phát sinh, tỉa cành tạo tán theo khuyến cáo.
Theo anh Đinh Hải Lâm, với ca cao, chất lượng (lên men) và tính đồng nhất giúp ca cao VN trở nên độc đáo. Chính phủ đóng vai trò điều tiết và thực thi việc đảm bảo chất lượng. Năng suất 2kg hạt khô/cây/năm trở lên và ít nhất 200 cây để ca cao có tính cạnh tranh. Muốn vậy việc chuyển giao công nghệ phải hiệu quả, áp dụng bền vững thực hành tốt giúp chống lại sự biến động giá. Qua đó, truyền cho người trồng niềm tin về khả năng cây này có thể nâng cao đời sống chính họ.
CÔNG PHIÊN