Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Về tỉnh Đồng Tháp, nhắc đến tên ông Hai Tịch (tên thật là Bùi Viết Tịch, 73 tuổi), nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 207 hiện ngụ tại khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình thì nhiều người biết, bởi chiến công những ngày đánh giặc oai hùng của ông và đồng đội trên chiến trường Tây Nam bộ năm xưa vẫn còn vang vọng…

Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ ảnh 1
Ông Bùi Viết Tịch bên căn nhà sàn của mình. Ảnh: M.Y.

1. Thấy khách đến, ông Hai Tịch vui vẻ ra đón chúng tôi vào nhà - một căn nhà sàn chống lũ đơn sơ nằm chênh vênh giữa vùng sông nước Nam bộ. Thấy chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn “cơ ngơi” quá đỗi khiêm tốn của mình, ông Hai Tịch giải thích: “Tuy tôi nghèo thật nhưng được sống trong hòa bình là hạnh phúc lắm rồi so với những đồng đội đã ngã xuống…”.

Là người đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh, hơn ai hết ông Hai Tịch thấm thía nhất cái giá phải trả để có được ngày hòa bình hôm nay. Bởi vậy, khi chúng tôi hỏi ông về cuộc đời kháng chiến, mắt ông bỗng sáng lên như trẻ lại… Ông kể: “Quê tôi ở tỉnh Hải Dương. Năm 20 tuổi nhập ngũ. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ trở về, tôi vào làm công nhân mỏ địa chất tại một xí nghiệp. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi lại tái ngũ để tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…”.

Do có kiến thức về quân sự nên ông nhận nhiệm vụ huấn luyện bộ đội tại Sư đoàn 338 (tỉnh Thanh Hóa). Mỗi khi hoàn thành một đợt huấn luyện, ông đưa tân binh vào tận Quảng Bình để bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Nam. Trong mỗi đợt giao quân như thế, nhìn những chiến sĩ trẻ tuổi khoác ba lô vào Nam, ông lại mơ ước có ngày chính mình sẽ vượt Trường Sơn trùng điệp, vào giải phóng quê hương. Đến đầu năm 1967, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu trong niềm vui vô bờ bến. Cũng vào lúc đó, ông vinh dự được kết nạp Đảng trước khi lên đường.

Ông Hai Tịch nhớ lại: “Ngày đó, được vào Nam chiến đấu là niềm vinh dự, tự hào lớn nhất của người lính. Sau khi nhận lệnh vượt Trường Sơn, đoàn quân chúng tôi bí mật băng rừng, lội suối, đi suốt ngày đêm không nghỉ, hễ gặp địch là đánh để mở đường vào Nam. Không thể tả xiết nỗi gian nan nguy hiểm của những ngày vượt Trường Sơn, vừa băng rừng, vừa chiến đấu, lại phải thường xuyên chống chọi với sốt rét rừng, thiếu thốn đủ bề... Không ít chiến sĩ trong đoàn đã vĩnh viễn nằm lại ở Trường Sơn, song những người còn sống vẫn không hề nao núng, quyết tâm đi tới…”.

Sau nhiều tháng hành quân gian khổ, vào cuối năm 1967, ông và đồng đội đã có mặt tại chiến trường Tây Nam bộ…

2. Quê tận miền Bắc xa xôi nhưng những năm tháng nằm gai nếm mật tại chiến trường miền Nam đã biến Hai Tịch thành một anh hai Nam bộ thứ thiệt. Hai Tịch xem mảnh đất thấm máu mình và đồng đội là quê hương thứ hai của mình. Ông vẫy vùng khắp miền sông nước ĐBSCL, ông nhớ từng con kênh, rặng dừa, bến nước, vườn cây… Hầu như chỗ nào cũng in dấu chân ông.

Có nhiều trận đánh đã để lại những kỷ niệm khó quên trong ông. Đó là trận đánh tại chùa Tám Cột (nằm trên biên giới giữa tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Svâyriêng - Campuchia). Trận đánh kéo dài từ 5 giờ sáng đến 18 giờ ngày 17-10-1972. Lúc đó, lực lượng của ta khá mỏng nhưng phải đối mặt với lực lượng địch rất hùng hậu. Địch dội bom đạn vào quân ta khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Chứng kiến những căn hầm chiến đấu trúng bom đạn, đồng đội hy sinh, không còn một ai… ông nuốt nước mắt vào lòng và càng quyết tâm chiến đấu. Trong đầu ông chỉ còn ý nghĩ duy nhất là phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Một mình chiến đấu cho đến khi chỉ còn trái lựu đạn cuối cùng, ông ném về phía trước để mở đường máu thoát ra khỏi vòng vây của địch. Sau tiếng đạn nổ, ông nhảy lên khỏi hầm, trườn trên mặt ruộng lao về phía trước. Thế rồi, một tiếng nổ inh tai, ông không còn biết gì nữa… Cho đến khi có lực lượng tiếp viện của ta đến, anh em phát hiện tim ông vẫn còn đập nên đã reo lên: “Hai Tịch còn sống! Hai Tịch còn sống!”. Ông ngậm ngùi: “Lúc tôi tỉnh dậy, thấy có hai thân thể của đồng đội nằm che đạn cho mình nên tôi mới thoát chết. Nghĩa tình đồng đội sâu nặng lắm…”.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông có mặt tại chiến trường miền Tây Nam bộ, tham gia giải phóng Mỹ Tho rồi về tiếp quản tỉnh An Giang, đến năm 1982 thì trở về đời thường… Năm nay đã 73 tuổi, nhiều vết thương vẫn còn âm ỉ trong cơ thể nhưng ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ - vượt khó, chan hòa, tình nghĩa…

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục