Theo số liệu của Công an TPHCM, 11 tháng đầu năm 2012, phạm pháp hình sự (PPHS) trên địa bàn TP giảm 603 vụ so với cùng kỳ năm 2011 (4.351/4.954 vụ). Những năm gần đây, số liệu báo cáo PPHS năm sau thường giảm hơn so với năm trước. Trong khi đó, người dân TP lại luôn có cảm giác bất an, nhất là nỗi ám ảnh về tài sản và sức khỏe của mình có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào bởi trộm cắp, cướp giật, ẩu đả... Vì sao lại có sự khác nhau trên?
Mắt lưới to, lọt cá nhỏ
Chỉ riêng chuyện đi lại của người dân cũng đã… đủ trò: “đinh tặc” bùng nổ nhức nhối; xe gửi tại một số bệnh viện, bến xe bị “luộc” đồ; đổ xăng thì bị “rút ruột”; hành khách đi xe buýt luôn sợ bị móc túi; gửi xe hay nhiều xe chạy tuyến TP đi các tỉnh thành mỗi khi đón khách thường bị “xin đểu”… Tuy vậy, rất ít vụ bị khởi tố, càng ít đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự, do giá trị của tài sản bị trộm, bị hủy hoại không đến mức 2 triệu đồng - theo quy định pháp luật. Có thể thấy, việc nâng mức định lượng đã làm lọt các đối tượng trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, hủy hoại, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… bất chấp các hành vi trên gây bất an cho xã hội. Không xử lý hình sự được, các vụ việc trên không “đủ tiêu chuẩn” lọt vào danh sách số vụ PPHS được thống kê.
Tuy nhiên, cần nói thêm là pháp luật cũng có quy định, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đối tượng chiếm đoạt “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì vẫn bị xử lý hình sự. Vấn đề còn lại, cơ quan tiến hành tố tụng có sẵn sàng làm rõ các yếu tố trên để chứng minh tội phạm hay không?
Dù đã có một bản báo cáo “đẹp” - tội phạm giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, không ngại thừa nhận, Công an TP chỉ có thể kiềm chế chứ trên thực tế chưa hẳn đã kéo giảm được tội phạm. Nhìn chung, tình hình PPHS giảm nhưng tính bạo lực và nguy hiểm gia tăng, vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê và tội phạm có tổ chức trong thanh thiếu niên nhập cư thất nghiệp. Án cướp giật, trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu PPHS…
Xử lý tội phạm còn phụ thuộc vào... bị hại!
Xu hướng “nói chuyện bằng dao kiếm” gia tăng, nhất là trong lớp trẻ, nhưng thực tế nhiều khi cơ quan công an cũng… bất lực! Thượng tá Trương Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM, trăn trở, trong những vụ án đâm chém, muốn có được tỷ lệ thương tích vĩnh viễn thì phải đợi vết thương ổn định, thông thường từ 2 - 3 tháng, khi đó vượt quá thời hạn giải quyết vụ án. Hoặc, trong trường hợp nạn nhân là người nước ngoài, sau khi bị thương tích, họ về nước điều trị nên chỉ còn lại hồ sơ khám ban đầu của họ làm căn cứ để giám định. Thế nhưng, cơ quan giám định pháp y lại không đồng ý giám định qua hồ sơ, dẫn đến không có tỷ lệ thương tật cụ thể của người bị hại khiến cơ quan điều tra không có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Lãnh đạo công an các quận, huyện cho biết, trong khoảng thời gian dài chờ kết quả giám định thương tật của bị hại, nghi phạm - sau khi bị tạm giữ hình sự tối đa 9 ngày - có thể bỏ trốn hoặc tìm cách đối phó trước khi bị khởi tố. Các trường hợp gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (và tội phạm quy định tại khoản 1 ở một số điều khác), vụ án chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Thực tế, nhiều đối tượng sau khi gây thương tích đã thương lượng, dàn xếp, thậm chí dùng vũ lực uy hiếp khiến người bị hại bãi nại và từ chối giám định tỷ lệ thương tật. Tại một số quận huyện, số vụ “nói chuyện bằng dao kiếm” mà cơ quan công an không xử lý được trong năm qua dao động từ 5 - 8 vụ/địa phương.
Việc không tính đến những vụ việc xảy ra nhưng không khởi tố xử lý được như trên góp phần làm cho tổng số PPHS giảm. Ngoài ra, nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: buôn người với mục đích bóc lột sức lao động; lạm dụng lao động trẻ em; đe dọa đặt bom, mìn; bảo kê; đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen… đang có chiều hướng gia tăng nhưng thiếu các quy định để xử lý triệt để, cũng giúp cho tình hình PPHS - thể hiện qua các con số - luôn được kiềm giữ… “đạt yêu cầu”!
| |
Ái Chân – Đường Loan