Ban chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Công an TPHCM trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là Ban chỉ đạo 137 TPHCM), vừa tổ chức hội nghị triển khai hoạt động từ nay đến cuối năm. Chúng tôi đã trao đổi với ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo 137 TPHCM, về một số vấn đề liên quan.
- Phóng viên: Mặc dù chỉ mới được thành lập năm 2011, nhưng Ban chỉ đạo 137 TPHCM đã nhanh chóng tỏ ra hữu ích trong việc góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Ông có thể nói gì về điều này?
>> Ông ĐẬU AN PHÚC: Một cách khái quát, sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa hai đầu mối cấp sở, GTVT và công an, cho thấy một hướng đi đúng, một cách làm hiệu quả. Ngay sau khi bộ máy điều hành được thành lập, nhiều cuộc phối hợp thanh kiểm tra đã được triển khai thực hiện. Tiêu biểu như phối hợp khảo sát, kiểm tra, xử lý các loại xe quá tải so với thiết kế xe, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và xe quá tải, quá khổ lưu thông qua các cầu yếu, cầu tải trọng thấp; xử lý xe dừng đậu trái quy định trên Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A gây cản trở mất an toàn giao thông; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, lĩnh vực đo lường đối với người điều khiển phương tiện và cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe taxi…
Kết quả là đã phát hiện, xử lý hành chính 1.000 trường hợp với số tiền phạt lên hơn 1,3 tỷ đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe các loại 598 trường hợp; đình chỉ sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 30 ngày 384 trường hợp vi phạm; “treo giò” giấy phép lái trong vòng 60 ngày 214 trường hợp khác… Hệ quả kéo theo từ những nỗ lực hoạt động liên ngành nêu trên là góp phần kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ trên cả 3 phương diện: số vụ việc, số người chết, số người bị thương trong khi số vụ ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn thành phố được kéo giảm 40% so với năm 2010…
- Thế còn mặt hạn chế, thưa ông?
Trong số những hạn chế, nổi cộm nhất là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm bãi giữ xe, làm mặt bằng kinh doanh các dịch vụ ăn uống, buôn bán vẫn còn phổ biến, tràn lan. Đặc biệt trên nhiều tuyến đường ở nhiều quận huyện vẫn nhan nhản các bãi đỗ xe không có giấy phép hoặc không đúng quy định trong giấy phép được cấp, giấy phép cấp một địa chỉ nhưng bãi đỗ xe nằm ở vị trí khác. Còn chuyện thường ngày là bãi giữ xe lấy quá giá quy định hoặc không niêm yết giá giữ xe…
- Theo ông, thử thách lớn nhất trong thời gian tới là gì?
Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo 137 TPHCM xác định sẽ tập trung vào 3 nhóm nội dung công tác chính. Trước hết là kiểm tra, xử lý đối với xe vận tải hàng hóa, taxi và ô tô chở khách như là chìa khóa để đảm bảo trật tự an toàn giao thông thành phố. Tăng cường kiểm tra, xử lý lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè toàn địa bàn. Cuối cùng, nâng cao hiệu quả phòng chống mất cắp thiết bị, vật tư liên quan đến bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, chống mất cắp dây điện, dây chiếu sáng công cộng, nắp cống thoát nước đô thị… Được biết thời gian qua tình trạng mất cắp cáp chiếu sáng công cộng gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông thành phố vẫn còn diễn ra ở nhiều quận huyện.
Ban chỉ đạo 137 TPHCM cho rằng, nếu làm tốt 3 trọng tâm công tác nêu trên, mục tiêu kéo giảm 10% số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 mặt và kéo giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút sẽ khả thi hơn.
Trung Khanh thực hiện