Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 5 năm tới đạt 6,5% - 7%/năm

Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 5 năm tới đạt 6,5% - 7%/năm

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sáng 21-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Theo đó, Chính phủ đề ra 8 giải pháp phát triển cho 5 năm tới.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt. Ngoài chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội trước đó, còn thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 7,9% (kế hoạch là khoảng 10%). So với số đã báo cáo Quốc hội, có 5 chỉ tiêu đạt tốt hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, thấp nhất kể từ năm 2001...

Về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Chính phủ nhận định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, đạt bình quân 17,5%/năm. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước. Nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước, đạt bình quân 31,7% GDP. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận những hạn chế, yếu kém của giai đoạn 2011 - 2015 như phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý; chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp. Tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức… “Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty Hai Thanh, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

Từ thực tế trên, sau khi phân tích các cơ hội, thách thức, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mà Chính phủ đưa ra có mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5% - 7%/năm. Để đạt tới mục tiêu này, Chính phủ trình Quốc hội 8 giải pháp chủ yếu. Trong đó giải pháp hàng đầu là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh… Trong 5 năm tới, Chính phủ xác định phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Cùng với đó là tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước…

Thẩm tra báo cáo này của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Giai đoạn 2011 - 2015, có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của giai đoạn trước; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ở mức 29%, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao, năng suất lao động so với một số nước Đông Nam Á còn thấp. Năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cải thiện nhiều; công nghiệp và dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước. Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Năng suất lao động xã hội thấp dẫn đến tiền lương, thu nhập của người lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa bảo đảm đời sống. Cùng với đó, tái cơ cấu đầu tư công - doanh nghiệp - thị trường tài chính chưa thực sự hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định, dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát. Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, chưa giải quyết tồn tại, bức xúc quá lâu của người dân về quy hoạch, về giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đáp ứng yêu cầu...

 Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020

° Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng 32% - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30% - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38% - 40%.

° Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65% - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1% - 1,5%/năm.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục