Trên trang 5 Báo SGGP số ra ngày 5-10 có đăng bài viết “Di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Cần được bảo vệ”. Sau khi bài báo đăng tải, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, các đơn vị bảo tồn di sản văn hóa xung quanh vấn đề này.
- Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM: Gắn kết giữa bảo tồn và phát triển
Ngay khi nhận được thông tin liên quan đến di tích cấp quốc gia Xưởng cơ khí Ba Son - địa điểm lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (được xếp hạng di tích ngày 12-8-1993), Sở VH-TT-DL đã đề xuất UBND TPHCM và báo cáo sự việc lên Bộ VH-TT-DL. Quan điểm của sở là di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng như ụ tàu (hiện nay, xưởng cơ khí và ụ tàu còn giữ hầu như nguyên vẹn kiến trúc xây dựng thời Pháp và vẫn đang hoạt động bình thường), là di tích lịch sử quốc gia. Do đó, khi quy hoạch dự án, cần phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, cần gắn kết giữa bảo tồn và phát triển. Cả hai địa điểm này phải được bảo vệ, giữ gìn và tạo điều kiện hơn nữa để phát huy giá trị.
Đến nay, đã có ý kiến của Bộ VH-TT-DL và lãnh đạo TP cũng quan tâm và có ý kiến chỉ đạo di tích cần được bảo tồn và gắn với sự phát triển của các công trình như quy hoạch không gian mới nơi đây. Tôi nghĩ việc bảo tồn khu di tích quan trọng này trong tổng thể hài hòa của công trình mới sẽ tạo điều kiện cho mọi người được tham quan nơi Bác Tôn đã từng làm việc và hoạt động cách mạng từ năm 1915 đến 1928 là việc làm hết sức ý nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống rất tốt cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, việc làm đó cũng thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ hoạt động của hơn 300 công nhân đầu tiên trong tổ chức Công hội đỏ - là tổ chức Công hội đầu tiên của Việt Nam có mục đích tương trợ và đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân.
- PGS-TS Đặng Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: Không đồng tình việc phá bỏ
Trước hết theo tôi, phương án dỡ bỏ di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một sai lầm. Làm lại thành mô hình thu nhỏ lại càng không nên. Tôi chưa thấy ai bảo tồn di tích ngược đời như vậy. Giữ được di tích mới khó chứ muốn phá bỏ thì rất dễ dàng, đó là chưa kể, những địa điểm, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vốn đã không nhiều.
Tôi nghĩ, địa điểm di tích này cần được giữ lại nguyên trạng, vì nó sẽ góp phần giáo dục truyền thống sinh động, thực tế, hiệu quả và phát huy giá trị giáo dục truyền thống rất tốt. Nếu có điều kiện, theo tôi, nơi đây nên được đầu tư bảo tồn như di tích nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội và giao về một mối cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng quản lý.
- Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng: Di tích về Chủ tịch Tôn Đức Thắng phải được bảo vệ
Đây là một câu chuyện dài. Những lần đại diện bảo tàng được dự họp, tham gia bàn thảo về việc này, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để phát huy tốt hơn nữa những giá trị di tích liên quan đến Bác Tôn.
Riêng với di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son, chúng tôi càng trăn trở hơn bởi việc phát huy giá trị còn hạn chế vì di tích này nằm trong khuôn viên cảng, người dân rất khó tiếp cận. Tôi nghĩ, di tích cần được bảo vệ và có hướng phát huy giá trị tốt hơn, còn phương án dỡ bỏ là không chấp nhận được. Khi các cơ quan quản lý có phương án bảo tồn di tích này thì Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẵn sàng chung tay hợp tác và hỗ trợ hết mình.
Minh An
- Di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cần được bảo vệ