Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài Cuối năm hàng dỏm “xuống đường”, phản ánh về tình trạng hàng gian, hàng giả bày bán công khai trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM Phan Hoàn Kiếm đã có ý kiến trao đổi thêm. Ông Kiếm cho biết:
Năm 2013, QLTT TP đã kiểm tra trên 15.000 vụ chuyên ngành QLTT và phối hợp liên ngành và ghi nhận các vi phạm nổi trội như: hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm về niêm yết giá và hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, về đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh... Trong số các vi phạm này, QLTT đã chuyển qua cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ, với tổng trị giá hàng hóa trên 6 tỷ đồng.
° Phóng viên: Thưa ông, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu trên địa bàn TPHCM đang diễn biến phức tạp. Trước những tồn tại đó, QLTT TPHCM sẽ có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên, đặc biệt thời điểm cận tết, hàng dỏm càng lộng hành và hoạt động công khai?
° Ông PHAN HOÀN KIẾM: Để hạn chế tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, Chi cục QLTT TP chỉ đạo các đội QLTT tăng cường nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, quy luật hoạt động của các đối tượng, xác định khu vực trọng điểm, mặt hàng nhập lậu, hàng giả nổi lên trên địa bàn, phát hiện các địa điểm buôn bán, chứa trữ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, từ đó xây dựng các phương án kiểm tra hiệu quả. Lực lượng kiểm tra sẽ tăng cường hoạt động ngoài giờ hành chính, ban đêm và cả ngày nghỉ.
° Vai trò phối hợp của các lực lượng trên địa bàn được thực hiện như thế nào, thưa ông?
° Hiện có nhiều ngành, lực lượng có chức năng kiểm tra, xử phạt trên địa bàn thành phố, do đó việc phối hợp là cần thiết để kiểm tra có hiệu quả đối với các đối tượng buôn bán, chứa trữ các mặt hàng tại nhiều địa điểm trong TP. Ở các cấp TP, quận, huyện, các đội QLTT khi kiểm tra đều có phối hợp với chính quyền và các ngành tại địa phương nơi kiểm tra như UBND phường xã, công an phường xã, phòng kinh tế quận huyện, chi cục thuế quận huyện…
° Ngoài các biện pháp trên, ở góc độ cơ quan quản lý, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?
° Người tiêu dùng cần hiểu biết các thông tin để chọn lựa hàng hóa mình muốn mua, chú ý các thông tin in trên bao bì, nhãn hiệu có ghi xuất xứ, địa chỉ nhà sản xuất, nhập khẩu hay không. Đối với mặt hàng có giá trị sử dụng dài, nên lấy hóa đơn để bảo hành hoặc khiếu nại nếu có. Người tiêu dùng cần báo cơ quan QLTT trường hợp mua phải hàng giả như là một hành động hợp tác với cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả.
LẠC PHONG (thực hiện)