Phản hồi vệt bài “Giải pháp căn cơ quản lý vỉa hè, lòng đường”: Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Sau khi khởi đăng vệt bài “Giải pháp căn cơ quản lý vỉa hè, lòng đường”, Báo SGGP đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phân tích, hiến kế xoay quanh việc làm thế nào để quản lý, khai thác vỉa hè, lòng đường hiệu quả thiết thực, an toàn, trật tự, tạo sinh kế cho người dân. Báo SGGP tiếp tục giới thiệu ý kiến của lãnh đạo sở, ngành địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia về vấn đề này.
Ô tô dừng thả khách tại khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, quận 3, TPHCM: Ảnh: THANH HẢI
Ô tô dừng thả khách tại khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, quận 3, TPHCM: Ảnh: THANH HẢI

Bà BÙI THỊ NGỌC HIẾU, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Dịch vụ về đêm tạo ra việc làm cho người lao động

Sau đề án xây dựng 22 tuyến phố đi bộ, có 2 dự án kinh tế đêm gắn liền với phát triển du lịch của quận 7 và Phú Nhuận đang được UBND TPHCM xem xét thông qua. Tại các phố đi bộ, địa phương sẽ rà soát các loại hình kinh doanh ở từng khu vực của tuyến đường để đề xuất phương án sắp xếp, quy hoạch các nhóm ngành nghề đặc trưng của quận và thành phố. Đồng thời, xây dựng đề án tổ chức ki-ốt, xe bán hàng cố định, không cố định trên các tuyến đường nhánh, ô phố lân cận với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, góp phần mang lại những lợi ích đối với người dân trong khu vực, xây dựng mỹ quan đô thị.

Tại các phố đi bộ hiện nay, doanh thu từ kinh doanh của người dân tăng từ 30%-50% so với thời điểm trước khi triển khai phố đi bộ. Các tuyến phố hoạt động sôi nổi về đêm không những là điểm đến vui chơi, giải trí mà còn phát triển hoạt động dịch vụ, tạo ra việc làm cho người lao động, tăng tỷ lệ đóng góp ngân sách.

KTS - chuyên gia NGÔ VIẾT NAM SƠN: Logistics trung chuyển hợp lý

Các điểm tham quan du lịch trong khu vực trung tâm đã xây dựng từ rất lâu nên chưa lường đến việc giao thông quá tải. Nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan… vẫn có tình trạng kẹt xe tại các điểm tham quan. Thế nhưng, thay vì cho xe đậu tràn lan, nước này đã tổ chức các điểm trung chuyển khách du lịch một cách hợp lý. Ví dụ, tại bảo tàng, du khách muốn tham quan phải đăng ký trước để bảo tàng chủ động sắp xếp chỗ đậu xe, tránh tình trạng quá tải cho giao thông trong khu vực cũng như khách vào tham quan quá đông. Cùng với đó, khu vực trung tâm phải bố trí một khu vực đậu xe, ưu tiên cho khách tham quan bảo tàng hoặc các điểm du lịch khác. Để làm được điều này, phải có sự phối hợp của nhiều sở như GTVT, Du lịch, TN-MT… quy hoạch khu vực đậu xe hợp lý và thống nhất các phương án tổ chức giao thông.

TPHCM cần xây dựng thêm các nhà giữ xe cao tầng. Tuy nhiên, nhà nước cần để thị trường quyết định giá giữ xe thì doanh nghiệp đầu tư mới chủ động được việc kinh doanh của mình. Vì sao các khách sạn trong khu vực trung tâm thu phí giữ xe theo giá thị trường được mà các bến đậu xe lại không!? Nhiều thành phố trên thế giới có tình trạng giao thông như TPHCM thường chỉ cho xe đậu 1 giờ. Sau đó, xe buộc phải chạy ra và xếp hàng quay vào đậu tiếp nếu vẫn có nhu cầu. Quan điểm của các nước này là mong muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng nên giá cước đậu xe rất cao với thời gian hạn chế và dành phần tiền đó hỗ trợ các loại hình giao thông công cộng.

Ông NGUYỄN NGỌC ANH, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: Cho sử dụng tạm, phát triển kinh tế đêm

Quận đã kiến nghị đối với một số khu vực lề đường lớn thì nên cho sử dụng tạm một phần để người dân kinh doanh, mua bán, nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn. Do đó, quận phải linh động trong việc quản lý, bằng cách kẻ vạch. Ví dụ, đường Phạm Văn Đồng có vỉa hè rất lớn, hoạt động kinh tế đêm rất sôi nổi. Quận đã kẻ vạch và hướng dẫn các hộ dân phần nào dành cho người đi bộ, phần nào để xe, phần nào được phép sử dụng tạm. Để được sử dụng tạm một phần vỉa hè, các hộ dân phải cam kết đảm bảo an ninh trật tự, tiếng ồn và chừa đủ lối đi cho người đi bộ. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Kết quả cho thấy vỉa hè cho người đi bộ vẫn đảm bảo, hoạt động kinh tế đêm cũng phát triển mạnh mẽ hơn.

Bà NGUYỄN THU THẢO, nhân viên văn phòng ở quận 1: “Nâng cấp” hàng rong phục vụ người dân, du khách

Nhiều người làm việc ở quận 1 nhưng không phải ai cũng có thu nhập đủ cao để ăn uống ở nhà hàng, quán ăn sang trọng. Với nhiều nhân viên văn phòng, nhân viên công ích, sinh viên… hàng rong vỉa hè là điểm đến quen thuộc vì phù hợp với túi tiền. Thực tế có nhiều nước phát triển, nhưng họ không cấm hàng rong mà cho hoạt động với sự quản lý của chính quyền.

Hàng rong, ẩm thực vỉa hè từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa của Sài Gòn - TPHCM. Vấn đề cần quan tâm ở đây là cần có sự sắp xếp hợp lý, quản lý chặt chẽ về mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người bán về vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử để hàng rong, ẩm thực vỉa hè ngày càng được “nâng cấp” nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Ông THÁI DOÃN HỒNG, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn: TPHCM cần quy hoạch bến bãi đậu xe

Hiện nay, xe đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tìm chỗ dừng để khách xuống rất vất vả. Nhiều công ty cũng muốn tổ chức cho du khách đi bộ tham quan các điểm như Nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, hồ Con Rùa, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…, nhưng vỉa hè bị lấn chiếm buôn bán và xe máy thường chạy lên vỉa hè khiến du khách ngán ngại. Du khách đi bộ còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do cướp giật... TPHCM cần quy hoạch bến bãi đậu xe như các thành phố lớn của Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Các nước này đều có 2 hình thức: xây dựng bến đậu xe cách khu vực tham quan 300m để du khách có thể đi bộ đến hoặc thả khách xong xe di chuyển đến nhà giữ xe cao tầng. Vì sao TPHCM không phát triển ô tô điện du lịch phục vụ hành khách? Ô tô điện diện tích nhỏ có thể đậu trong khuôn viên các điểm tham quan. Ngoài ra, ô tô điện có thể đậu ngoài đường mà không ảnh hưởng nhiều đến giao thông so với ô tô 30-45 chỗ.

Tin cùng chuyên mục