Phân luồng học sinh đến với trường nghề để chủ động nhân lực

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, ngành giáo dục tỉnh Long An sẽ khai thác hiệu quả cơ sở vật chất tại các trường, tổ chức các lớp học nghề tại các trường THCS và THPT để học sinh hạn chế di chuyển.
Ngành giáo dụng Long An tổ chức các lớp học nghề tại các trường THCS và THPT để học sinh hạn chế di chuyển. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ngành giáo dụng Long An tổ chức các lớp học nghề tại các trường THCS và THPT để học sinh hạn chế di chuyển. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ngày 13-9, ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An cho biết, để nâng cao chất lượng phân luồng, cũng như đào tạo nghề cho học sinh, trong thời gian tới ngành giáo dục sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh và phụ huynh ở cấp THCS và THPT theo hướng “đưa trường học đến học sinh”, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 40% học sinh sau THCS vào trường nghề và các loại hình học khác.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, ngành giáo dục tỉnh Long An sẽ khai thác hiệu quả cơ sở vật chất tại các trường, tổ chức các lớp học nghề tại các trường THCS và THPT để học sinh hạn chế di chuyển. Các trường dạy nghề sẽ tổ chức dạy lý thuyết ở các cơ sở giáo dục, còn các môn thực hành sẽ phối hợp đưa đón học sinh đến các trường dạy nghề để đảm bảo việc học tập. Trong quá trình đào tạo nghề sẽ có kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.

Long An là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, có hơn 13.700 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và hơn 1.120 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ đầu năm đến nay, Long An đã thu hút thêm hàng chục dự án mới, trong đó có nhiều dự án FDI.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Long An, trên địa bàn được quy hoạch 37 khu công nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay, các khu công nghiệp của tỉnh Long An thu hút thêm 65 dự án đầu tư mới, trong đó có 27 dự án FDI. Do đó nhu cầu về nguồn lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao tại chỗ trong thời gian tới luôn ở mức cao.

Vì vậy, ngày từ đầu năm học, ngành chức năng đã tiến hành phân luồng học sinh đến với trường nghề để chủ động nhân lực cho địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt đến tận từng trường THCS, THPT để thực hiện giảng dạy hướng nghiệp phù hợp với tình hình hiện nay, thay cho giáo án cũ trước đây. Học sinh, sinh viên kể cả phụ huynh cũng được tham quan thực tế tại cơ sở đào tạo nghề.

Phân luồng học sinh đến với trường nghề để chủ động nhân lực ảnh 1 Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt thực hiện giảng dạy hướng nghiệp phù hợp với tình hình hiện nay. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ông Lê Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An cho biết, Long An có nhiều khu, cụm công nghiệp, hầu hết các em ra trường đều làm việc tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, một số đi làm ở Nhật Bản. Nếu như trước đây các em đi làm việc tại Nhật Bản phải lên TPHCM để học ngoại ngữ, thì nay không còn cảnh đó nữa. Bởi hiện nay, ngoài học chuyên môn, các em được học ngoại ngữ, học văn hóa Nhật Bản ngay tại tỉnh và nhiều em khi hoàn thành các chương trình, đã đủ kiều kiện sang Nhật Bản làm việc. “Thời gian gần đây 95% học sinh, học viên khi ra trường không chỉ có việc làm ngay mà còn có cơ hội làm việc, đào tạo chuyên sâu tại các quốc gia đang có dự án đầu tư tại Long An”, ông Tâm nói.

Trong năm học này, Trường Cao đẳng Long An đã tuyển sinh gần 2.700 học sinh, sinh viên học các ngành nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế, châu Á và Asean. Trong số 20 ngành nghề đào tạo, một số ngành nghề được học sinh, phụ huynh quan tâm, như: lắp đặt thiết bị cơ khí; ngành điện công nghiệp. Bên cạnh đó còn có nghề cơ điện tử đào tạo theo chuẩn Cộng hòa Liên bang Đức và kỹ thuật điều hòa máy lạnh không khí cho khu công nghiệp... Đến thời điểm này tại trường đang đào tạo nghề cho tổng số hơn 4.400 học sinh, sinh viên. Hầu hết là con em địa phương, trong đó có nhiều em đến từ các vùng nông thôn.

Phân luồng học sinh đến với trường nghề để chủ động nhân lực ảnh 2 Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC PHÚC

Để cung ứng nguồn nhân lực hiệu quả trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đào tạo từ hướng “cung” sang “cầu”; đa dạng ngành nghề, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp... Đồng thời có chính sách thu hút học sinh sang học nghề, thực hiện tốt mục tiêu phân luồng, đào tạo nhân lực chất lượng, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, như: miễn học phí đối với học sinh, sinh viên; chính sách liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học; chính sách học bổng, nội trú cho học sinh, sinh viên học nghề... Ổn định nguồn đầu ra sau đào tạo để kết nối cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Long An cho hay, hiện nay sở đã tập hợp được trên 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, cũng kết nối được nhu cầu tìm việc lẫn nhu cầu tìm lao động. Qua đó cũng triển khai nhiều chính sách, chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm Long An kết nối thêm với trung tâm dịch vụ việc làm của 12 tỉnh ĐBSCL trong vấn đề kết cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Long An có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (10 cơ sở công lập, chiếm 40%; 15 cơ sở ngoài công lập, chiếm 60%), trong đó có 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm gáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Tin cùng chuyên mục