Mỹ hiện duy trì khoảng 2.000 nhân viên quân sự ở miền Đông Syria với nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng địa phương đánh đuổi IS. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis, các quan chức Bộ Ngoại giao, thậm chí các chỉ huy Mỹ tại thực địa đều tỏ ra quan ngại việc rút quân khỏi Syria trước khi đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 9 năm qua.
Trước đó 2 tuần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford, cho rằng Mỹ còn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể huấn luyện các lực lượng địa phương tại Syria ngăn chặn IS trỗi dậy trở lại và ổn định đất nước.
Truyền thông Mỹ dẫn nhận định của chính giới nước này coi quyết định bất ngờ trên là thiếu thận trọng, đẩy người Kurd lâm vào tình thế rủi ro vì nó sẽ khiến liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab (trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria - SDF, được Mỹ ủng hộ) tham gia cuộc chiến chống IS có nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Lâu nay Ankara vẫn coi liên minh này là “khủng bố” và từng thông báo kế hoạch phát động chiến dịch nhằm vào các tay súng người Kurd. Chưa kể chỉ vài giờ trước khi công khai quyết định rút quân khỏi Syria, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã thông qua thương vụ bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, trị giá 3,5 tỷ USD, cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo CNN ngày 19-12, toàn bộ nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ rời khỏi Syria trong 24 giờ, trong khi thời gian rút quân khỏi Syria được cho là sẽ kéo dài 60-100 ngày. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, IS đã hành quyết khoảng 700 người trong số khoảng 1.350 dân thường và các tay súng bị IS bắt giữ tại khu vực lãnh thổ ở miền Đông Syria, gần biên giới Syria - Iraq. Theo SOHR, IS hiện vẫn đang kiểm soát một khu vực nằm ở phía Đông sông Euphrates quanh thị trấn Hajin của Syria. Đây là nơi thường xảy ra giao tranh giữa IS và các lực lượng đối lập Syria được Mỹ hậu thuẫn.
Các nước đồng minh chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ nội các của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - trong khu vực. Mặc dù quyết định của Mỹ về việc rút quân khỏi Syria không phải đặt dấu chấm hết cho chiến dịch của liên minh quân sự, do Mỹ đứng đầu, chống lại IS, song nó có thể làm suy yếu khả năng lãnh đạo của Mỹ trong liên minh, để lại khoảng trống quyền lực có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong cuộc xung đột của cộng đồng quốc tế tại Syria.
Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Frantz Klintsevich, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ giúp ổn định tình hình trong khu vực. Washington đã không đạt được mục tiêu của riêng mình ở Syria là lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sau khi lãng phí tới 7.000 tỷ USD vào các cuộc chiến tại Trung Đông, như Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố.