Pháp bắt đầu nóng với bầu cử tổng thống

Mục tiêu tạo thêm việc làm
Pháp bắt đầu nóng với bầu cử tổng thống

Ngày 16-10, đảng Xã hội Pháp đã bỏ phiếu vòng 2 bầu chọn ứng viên ra tranh cử tổng thống vào tháng 4-2012. Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 9-10 không ai đạt quá 50% số phiếu.

Francois Hollande, ứng viên hàng đầu của đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống Pháp gặp gỡ cử tri trong một cuộc vận động tranh cử ở Voutezac, miền Nam nước Pháp.

Francois Hollande, ứng viên hàng đầu của đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống Pháp gặp gỡ cử tri trong một cuộc vận động tranh cử ở Voutezac, miền Nam nước Pháp.

Mục tiêu tạo thêm việc làm

Hai trong tổng số 6 ứng viên lọt vào vòng 2 gồm ông Francois Hollande, 57 tuổi, và bà Matine Aubry, 62 tuổi, đương kim Chủ tịch đảng Xã hội. Hai ứng viên này đứng đầu vòng 1 với số phiếu lần lượt là 39% và 30%. Điều đáng chú ý là lần này tất cả cử tri có cảm tình với cánh tả không cần phải là thành viên của đảng Xã hội đều có quyền đi bầu. Điều kiện rất đơn giản là phải có tên trên danh sách cử tri, trước khi bầu phải đóng 1 EUR tiền tham dự và ký vào một hiến chương xác nhận tôn trọng những giá trị của cánh tả.

Ngoài ra, cách bầu cử sơ bộ theo kiểu bầu cử Tổng thống Mỹ đã thu hút nhiều cử tri đi bầu. Khoảng 10.000 phòng phiếu mở cửa từ 9 giờ sáng trên khắp nước Pháp và thêm nhiều điểm khác ở các nước thành viên EU cũng như trên thế giới. Các cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng viên cũng thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri. Ngày 9-10 vừa qua đã có 2,7 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu ở vòng 1.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, cả hai ứng viên của đảng Xã hội đều có khả năng giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thuộc liên minh cầm quyền Phong trào vì nhân dân. Cho tới nay gần như chắc chắn ông Sarkozy sẽ tái tranh cử mặc dù chưa công bố chính thức.

Kể từ khi cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn bị bắt tại New York, ông Hollande trở thành ứng viên sáng giá nhất của đảng Xã hội Pháp. Ông Hollande từng là Chủ tịch đảng Xã hội Pháp nhưng chưa bao giờ giữ vị trí nào trong các chính phủ của Pháp.

Bà Aubry là con gái cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors và từng là Bộ trưởng Lao động, Thị trưởng thành phố Lille. Khi còn là Bộ trưởng Lao động những năm 1990, bà Aubry được nhiều người biết đến với quyết định giảm giờ làm việc từ 40 giờ/tuần xuống còn 35 giờ.

Cương lĩnh tranh cử của hai người hầu như không khác nhau, theo đó đều kêu gọi giảm tuổi hưu từ 62 hiện nay xuống còn 60, tạo thêm 300.000 việc làm cho giới trẻ ở lĩnh vực công.

Lợi thế cho ông Hollande là nhiều ủng hộ viên của các ứng viên đã bị loại tại vòng 1 nay chuyển sang ủng hộ ông, trong đó có các ủng hộ viên của bà Ségolène Royal, người từng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007.

Cử tri muốn thay đổi

Trong bối cảnh kinh tế Pháp và kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, uy tín của Tổng thống Sarkozy xuống thấp, cử tri Pháp đang mong đợi một sự thay đổi từ giới lãnh đạo vì cánh hữu đã cầm quyền 17 năm qua. Đặc biệt, giới trẻ Pháp đang có xu hướng chuyển sang ủng hộ cánh tả, cụ thể là đảng Xã hội. Nếu như ông cha của họ trước đây từng xuống đường đòi hỏi cải cách giáo dục và đổi mới toàn xã hội trong cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968, thời kỳ chính phủ của Tổng thống Charles de Gaulles thì nay, giới trẻ Pháp cũng muốn có thay đổi như vậy. Ngoài vấn đề giáo dục và môi trường, họ đang lo lắng trước viễn cảnh khủng hoảng kinh tế và lo sợ cơ hội tìm việc cho thanh niên ngày càng ít.

Theo báo Guardian, trong cuộc bầu cử vòng 1 vừa qua, hai gương mặt trẻ nhất trong số 6 ứng viên là Arnaud Montebourg, 48 tuổi, về thứ ba (đánh bại cả bà Ségolène Royal) và Manuel Valls, 49 tuổi, về sau bà Royal. Florence Assan, 21 tuổi, sinh viên y khoa, một trong những ủng hộ viên của bà Aubry cho rằng các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội thực sự đã cho giới trẻ tiếng nói. Những người trẻ từ 15 đến 18 tuổi mặc dù không có quyền bầu cử sơ bộ ứng viên của đảng Xã hội nhưng nếu họ thuộc các tổ chức đoàn thanh niên của đảng này vẫn có quyền bầu chọn.

Sylvain Lobry, 20 tuổi, sinh viên, cho rằng nếu nói giới trẻ Pháp quay lưng với chính trị thì “chúng tôi đã cho thấy điều này là sai lầm thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội. Nếu chúng ta (đảng Xã hội) không thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì chúng ta cũng đã làm được điều phi thường”.

Stéphane Blemus, 25 tuổi, sinh viên luật không bầu cho Sarkozy và cũng không phải là thành viên đảng Xã hội nhưng anh ủng hộ ứng viên Hollande. Anh nói: “Giới trẻ ở khắp châu Âu đang khao khát thay đổi, chúng ta đã thấy được điều này trong các cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha và Hy Lạp. Chúng tôi lo ngại về “đại dịch” thất nghiệp, lo lắng về tấm bằng của mình và cả việc tìm nhà ở”.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục