Nhận diện thực trạng chất lượng cuộc sống của người dân TPHCM hiện nay, cùng những bất cập, rào cản trong cơ chế chính sách để đi tìm những giải pháp xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt… là những vấn đề mà phóng viên Báo SGGP đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Phạm Chánh Trực (ảnh), nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM.
Thách thức
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đánh giá của ông như thế nào về chất lượng sống hiện nay của người dân TP?
Ông PHẠM CHÁNH TRỰC: Với TPHCM hiện nay, khi nói đến xây dựng TP có “chất lượng sống tốt” thì thực tế còn quá nặng nề, khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, cũng cần mơ ước để phấn đấu thực hiện. TPHCM có đến 10 triệu dân, số dân bằng với một đất nước không phải nhỏ trên thế giới, chưa kể khoảng 3 triệu khách vãng lai. Ta còn đang ở bước đầu nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giai tầng mạnh mẽ, phân hóa giàu nghèo đang diễn ra gay gắt, giàu nghèo cũng không ổn định do quy luật kinh tế thị trường tác động. Do vậy, tổ chức xã hội, quản lý xã hội cũng khó khăn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của TP hiện đang quá tải do không chạy kịp nhu cầu và tốc độ phát triển dân số: trường học, bệnh viện, giao thông… hiện đều quá tải.
Trong khi đó, cơ chế, bộ máy quản lý TPHCM cũng giống như 63 tỉnh, thành trong cả nước - nghĩa là bộ máy quản lý, điều hành đô thị đặc biệt giống bộ máy điều hành địa bàn nông thôn, nên chính quyền bị quá sức với cơ chế bình quân cả nước. Do bức xúc, nhiều người cũng thấy phải thay đổi, TPHCM đã bàn cơ chế nhưng đề án chính quyền đô thị vừa rồi do TP xây dựng chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và chưa thuyết phục được lãnh đạo Trung ương, Quốc hội. Vấn đề ở đây, TP không đơn thuần phát triển cho mình mà có vai trò đầu tàu, động lực kinh tế cho vùng, cho cả nước - điều này nhân dân thừa nhận, Đảng, Nhà nước đã khẳng định và giao nhiệm vụ, nên cũng vừa là áp lực, vừa là thách thức đối với TP.
Do vậy, muốn xây dựng TP có chất lượng sống tốt, TPHCM phải vượt qua những khó khăn thách thức này.
Còn mặt thuận lợi, thưa ông?
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là TPHCM không có nhiều thuận lợi lớn. TPHCM có số lượng lao động lớn, trí thức đông với nhiều nguồn rất đa dạng trong và ngoài nước, lớp trẻ TPHCM nhanh nhạy nắm bắt khoa học công nghệ, các trào lưu văn hóa thế giới. Đặc biệt là truyền thống yêu nước của người dân TP rất sâu sắc. Con người TP cũng đặc biệt, năng động, hào sảng, nghĩa hiệp, nghĩa tình, nhân ái, vị tha, không ích kỷ. Lòng yêu nước thương người của người TP rất rõ, trong hoàn cảnh nào người dân TP cũng sống đùm bọc, tương thân tương ái, các hoạt động xã hội thiện nguyện của người TP rất đỗi bình thường, nó như hơi thở của cuộc sống…
Bắt đầu từ nhận thức của người dân
Với ông thì thế nào là một TP đáng sống?
Tôi nghĩ rằng có 6 yếu tố. Thứ nhất, phải có không gian sống thuận lợi, không gian đó làm cho người dân cảm thấy an tâm, muốn sống ở đây. Đó là an toàn, an ninh, thuận tiện… Có nhiều yếu tố tạo ra không gian sống tốt. Tạo được không gian là cả một quá trình. Còn như đường phố ngập nước, kẹt xe, tai nạn bất ngờ, cướp giật, phạm pháp... là không an toàn rồi. Phải khắc phục các vấn đề này. Sống ở đô thị người dân phải có chỗ ở, hiện nay người dân chưa đủ chỗ ở hoặc ở tạm bợ như ở những nhà trọ. Kết cấu hạ tầng cũng phải tiện lợi, đủ điện nước, môi trường sạch sẽ. Thứ hai, người dân sống tại TP là để hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh, nên phải có môi trường làm việc tốt. Thứ ba, phải có chính quyền tốt, liêm chính, vì dân, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho dân hoạt dộng. Thứ tư, pháp luật phải đảm bảo công bằng, minh bạch, dân chủ để chính quyền điều hành theo luật pháp đó, người dân thì tuân thủ, thấy an tâm và được bảo vệ. Thứ năm, tổ chức xã hội phải tốt, xuống tận tới dân, đảm bảo cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chăm lo gia đình, chăm lo trẻ em, không có tệ nạn xã hội. Thứ sáu, TP sống tốt là người dân phải tốt, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, tham gia hoạt động cộng đồng, xây dựng gia đình lành mạnh…
Người dân phường Cầu Kho, quận 1 thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh các con hẻm trên địa bàn phường. Ảnh: Việt Dũng
Giải pháp xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Bắt đầu từ nhận thức của người dân. Tôi cho rằng, sự đồng thuận của người dân mang yếu tố quyết định. Ở đây, xin đặc biệt nhấn mạnh vai trò của HĐND trong việc đưa vấn đề này ra bàn bạc, lấy ý kiến nhân dân. Không chỉ nói cho qua, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, HĐND phải ban hành văn bản pháp quy về điều gì nên làm, không nên làm, điều gì cấm triệt để đối với TP sống tốt. Phải biến văn bản pháp quy này thành thỏa ước của nhân dân, tránh mệnh lệnh, để người dân tự ý thức và đồng hành. Vai trò của đoàn thể quần chúng rất quan trọng và phải thường xuyên là chỗ dựa của người dân. Giải pháp tiếp theo là việc xây dựng chính quyền đô thị phải thực hiện đồng thời với cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Trong chính quyền đô thị, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, đội ngũ công chức phải thật sự là công bộc của dân. Đồng thời, phải kiện toàn công cụ để thi hành luật pháp, đó là lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án, vì xã hội luôn phát sinh mâu thuẫn, những vi phạm trong xã hội thường xảy ra, nên phải có công cụ sắc bén để điều chỉnh hoặc nghiêm trị. Việc tổ chức lại không gian sống của người dân nên theo hướng tổ chức các đô thị vệ tinh, hình thành mô hình TP đa trung tâm, không để dân dồn ép vào trung tâm như hiện nay. Đô thị vệ tinh có đầy đủ điều kiện sống, làm việc, vui chơi giải trí, phúc lợi công cộng. Giải pháp cơ bản nữa là tạo việc làm bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính, tín dụng, khoa học kỹ thuật… để thu hút việc làm. Giải pháp liên kết vùng cũng phải giải quyết tốt. Cuối cùng, việc xây dựng TP có chất lượng sống tốt phải bắt đầu từ cơ sở, làm thí điểm ở vài địa bàn phường, xã, thị trấn và với hệ thống các giải pháp, biện pháp cụ thể, đồng bộ, rồi đánh giá, rút kinh nghiệm và làm tới đâu, nơi đó phải trở thành cơ sở sống tốt và ổn định.
Xin cảm ơn ông!
VÂN ANH thực hiện