Thông thường, kết thúc mùa kinh doanh quý 3 hàng năm, các DN tại TPHCM bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm và cao điểm Tết Nguyên đán. Năm nay cũng không ngoại lệ. Ngay từ tháng 8-2013, nhiều DN của TP, đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị hàng tết khá chu đáo, với số lượng tăng từ 10% - 30% tùy chủng loại mặt hàng.
Điều đáng phấn khởi là năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014 - năm đầu tiên TPHCM không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho DN trong chương trình bình ổn vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa nhưng các DN đã rất chủ động trong việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cung ứng cho TP. Điển hình như các DN Ba Huân, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Phạm Tôn, San Hà… đã tập trung đầu tư để nâng tổng đàn gia súc, gia cầm lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cũng không giấu tham vọng, trong thời gian không xa, hàng hóa của các DN này sẽ trở thành đối trọng với các DN FDI vốn có thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi. Với sự chuẩn bị hàng hóa tết sớm và chu đáo, hầu hết các DN trong chương trình bình ổn thuộc nhiều lĩnh vực đã tuyên bố chắc nịch, giá hàng hóa từ nay đến tết sẽ ổn định, thậm chí vào những ngày cao điểm tết, nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm sẽ khuyến mãi giảm giá nhằm giúp người dân nghèo có nồi thịt kho đón tết. Những nỗ lực này rất đáng ghi nhận và biểu dương.
Cùng với đó, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều DN bắt đầu phập phồng nỗi lo sức mua hàng tết sẽ không tăng được như mong muốn. Trên thực tế, tại thời điểm này, hầu hết các siêu thị đều cho rằng, năm nay sức mua tăng chậm, để đảm bảo kế hoạch doanh thu, các siêu thị buộc phải giảm lãi để kích cầu tiêu dùng. Nhờ vậy, doanh thu tại nhiều siêu thị trong tháng 9 có tăng nhưng không đồng đều, biểu hiện rõ nhất là tại hệ thống Co.opMart doanh thu tăng 60% so với tháng trước đó nhưng tại nhiều siêu thị khác, mức tăng chỉ đạt khoảng 5% - 10%. Riêng tại một số trung tâm thương mại và các chợ dù có tham gia các chương trình khuyến mãi nhưng sức mua gần như không tăng. Chính điều này đã tác động đến tâm lý của nhiều người kinh doanh cũng như công tác chuẩn bị hàng hóa. Một tiểu thương ngành hàng vải chợ An Đông cho biết, trong nhiều năm gần đây, nhiều người đã không còn khái niệm chuẩn bị hàng tết, thay vào đó là “bán đến đâu, lấy hàng đến đó”. Vì không có sự chuẩn bị chu đáo nên sức cạnh tranh về hàng hóa, giá cả tại các chợ luôn trong tình trạng đuối sức!
Trở lại với công tác sản xuất và chăn nuôi dù đang diễn ra khá tốt nhưng chúng ta không thể chủ quan trước diễn biến thời tiết ngày càng thất thường, khắc nghiệt. Nhiều DN mong muốn các sở ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng nhiều. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có những công cụ để kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa.
Hiện TP đã định hình được mạng lưới phân phối đa dạng và rộng khắp. Ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, phiên chợ nông thôn, bán lưu động, còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể… nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự kết nối tốt hơn giữa DN với người tiêu dùng. Nếu chúng ta có hàng hóa nhưng tổ chức mạng lưới bán hàng không tốt, qua quá nhiều tầng nấc trung gian sẽ làm đội giá bán. Do vậy, công tác phân phối hàng hóa năm nay cũng sẽ được TP rất quan tâm. Nhưng để thực hiện được nội dụng này, cần có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện, với ban quản lý các chợ trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa và quản lý giám sát giá. Nếu phối hợp thực hiện tốt các khâu, chắc chắn thị trường tết sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến.
HẢI HÀ