Phập phù cá tra

Bước sang trung tuần tháng 12-2016, giá cá tra ở ĐBSCL đã chựng lại ở mức 21.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tháng trước đó.

Bước sang trung tuần tháng 12-2016, giá cá tra ở ĐBSCL đã chựng lại ở mức 21.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tháng trước đó.

Với giá này, nông dân nuôi cá vẫn còn lãi, nhưng họ lo lắng liệu giá cá có tiếp tục giảm khi các doanh nghiệp cơ bản đã mua đủ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu dịp lễ Noel và Tết Dương lịch?

Giá cá không ổn định nên người nuôi không dám mở rộng qui mô. Ảnh: T.L

“Tháng rồi giá cá vượt mức 22.000 đồng/kg cũng mừng. Cá trong ao nuôi còn nhỏ, tôi nuôi thúc để cá lớn nhanh đủ tiêu chuẩn bán cho doanh nghiệp. Nhưng khi cá chưa kịp đủ chuẩn thì giá đã giảm còn 21.000 đồng/kg. Điều nông dân phập phồng là liệu giá cá có giảm tiếp hay không?”, ông Nguyễn Văn Hạnh, người nuôi cá trên địa bàn Cần Thơ, lo lắng. Một chuyên gia trong lĩnh vực cá tra cho rằng, trường hợp giá cá tra tăng trong hơn 1 tháng qua là nằm trong “chu kỳ thường xuyên” giữa cung - cầu của ngành hàng này. Thường bước sang quý 4 hàng năm, các nhà máy chế biến phải gia tăng mua nguyên liệu cá để cung ứng cho khách hàng ở thị trường châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, chuyện giá cá tra tăng có lúc lên “kịch trần” trên 23.000 đồng/kg là hiếm trong vài năm qua. Các chuyên gia lý giải: Do giá cá tra “rớt kèo” dài nên người nuôi treo ao rất lớn, thậm chí một số doanh nghiệp cũng giảm diện tích nuôi nên khan hiếm cục bộ và đẩy giá tăng.

Sau thời gian phát triển nóng về diện tích nuôi lẫn các nhà máy chế biến cá tra đang rơi vào ngưỡng... chờ thời. Người nuôi chỉ cầm chừng, không dám mở rộng vùng nuôi. Vì vậy, diện tích nuôi cá tra sẽ không có biến động lớn trong thời gian tới. Chỉ dao động ở khoảng 2.700 - 2.800ha; sản lượng 1 - 1,1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sức ỳ của ngành cá tra hiện nay nằm ở chỗ khủng hoảng thừa hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản. Đây là hệ lụy tất yếu của các đại gia kinh doanh theo kiểu phong trào. Theo một chuyên gia trong ngành thủy sản, hiện tổng công suất chế biến cá tra của các nhà máy vượt ngưỡng 2 triệu tấn, nhưng sản lượng nuôi chỉ trên 1 triệu tấn. Thừa công suất, nhiều nhà máy chỉ hoạt động khoảng 40% - 60% công suất. Thậm chí một số nhà máy chế biến đã “chết lâm sàn”. Nguyên nhân do thua lỗ, thiếu vốn, không có khách hàng... Trong đó, nhiều nhà máy sống “vất vưởng” bằng cách gia công chế biến hoặc cho một số đối tác từ Trung Quốc đến thuê. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện “dở khóc dở cười” của người nuôi cá tra quá lứa (trên 1kg/con) ở ĐBSCL. Các khách hàng Trung Quốc mua cá tra lớn, thuê nhà máy chế biến ở ĐBSCL rồi bán sang thị trường Trung Quốc. Nông dân thấy thế, đua nhau vỗ béo cá vượt ngưỡng 1kg/con. Đến khi khách hàng Trung Quốc âm thầm rút lui, nông dân đành ôm hàng và... ôm hận (vì doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ mua cá khoảng 700g/con)!

Chuyện các nhà máy chế biến “chết lâm sàng” cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chuyện cạnh tranh không lành mạnh khi có đối tác đặt hàng cá tra phi lê. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc cần thẳng tay “khai tử” các nhà máy “chết lâm sàng”, duy trì đầu tư đúng mức cho các nhà máy hoạt động bài bản. Thực tế, câu chuyện liên kết dọc - chủ yếu là nông dân nuôi cá và các nhà máy chế biến đã được hình thành căn cơ để giảm rủi ro cho nông dân. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết ngang - chủ yếu giữa các nhà máy chế biến là vấn đề đau đầu hiện nay. “Phải sớm dẹp cảnh gà nhà bôi mặt đá nhau. Có như vậy, nghề nuôi và chế biến cá tra ở ĐBSCL mới tìm được hướng phát triển bền vững”, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), đề xuất.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục