10 tháng sau khi đắc cử, Tổng thống Pháp François Hollande đang ở tình trạng lúng túng và thất thế nghiêm trọng, mất uy tín trong dư luận, ngay cả trong dư luận của cử tri phía cánh tả của mình. Ông đã thất bại trong các kế hoạch đem nước Pháp ra khỏi vòng suy thoái kinh tế. “Cương lĩnh chính trị” cánh tả của ông ngày càng qua bên... phải! Đây là yếu kém của tổng thống hay chỉ vì tình thế bất lợi chung của Liên minh Âu châu (EU) và thế giới?
“Vũ khí” truyền hình
Mùa Đông ở Paris, theo lịch thì đã tàn nhưng nhiệt độ bên ngoài vẫn còn 5-6oC. Trên phim trường quay bản tin thời sự chính “20 Giờ” của đài truyền hình quốc gia France 2 hôm 29-3, không khí hoàn toàn khác hẳn: Tổng thống François Hollande đổ mồ hôi dưới độ nóng của dàn đèn phim trường và... áp lực của dư luận. Dư luận của cử tri, của các chính trị gia đối lập, báo giới và cả thị trường chứng khoán đầu tư quốc tế. Những người sẽ nghe, nhìn trực tiếp và phân tích phát biểu của ông.
Ông François Hollande rất trái ngược với tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy về chiến lược truyền thông - có lợi - cho mình: ông không thích lên truyền hình. Để giải thích hay vận động dư luận, François Hollande ưu tiên phát biểu trên báo giấy, nơi ông có thời gian suy nghĩ và có đủ “đất” để truyền bá. Tổng thống biết mình không “ăn hình” trên truyền hình, không chỉ vì hình ảnh mà cả phong cách ăn nói thiếu thuyết phục. Nhưng ông không còn nhiều lựa chọn về chiến lược truyền thông trong tình huống hiện nay. Và truyền hình vẫn là phương tiện mạnh và nhanh nhất để lấy lại lòng tin của cử tri Pháp cũng như của dư luận quốc tế. Trong thời kinh tế toàn cầu, chính trị gia còn cần cả thị trường tài chính, đầu tư trong, ngoài nước tin vào sự hợp lý và khả năng thành công của các lãnh đạo và những gì họ đã hứa.
Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Viện nghiên cứu CSA thực hiện cho đài phát thanh RTL chỉ có 29% cử tri nhận thấy Tổng thống François Hollande có “đủ khả năng lãnh đạo”, 59% nghĩ là “không”, 12% không có ý kiến. Tuy nhiên, 43% cử tri nhìn nhận ông là người “trong sạch”.
Thiếu thuyết phục
Đài France 2 mời ông François Hollande nói chuyện 45 phút nhưng tham luận của tổng thống đã kéo dài hơn 1 giờ 15 phút. Đây là chuyện hiếm có trên truyền hình ở giờ “vàng” của quảng cáo. Như một nhà khoa học, như một giáo sư đại học, ông François Hollande giải thích từng vấn đề tại sao và thế nào ông và ê kíp của mình đã làm được những gì, đang làm ra sao, những gì không thể làm. Trong hơn một giờ đồng hồ, ông trấn an công dân Pháp bằng nhiều luận chứng, kêu gọi sự kiên nhẫn, sự cố gắng. Đáng buồn, sau buổi nói chuyện được chờ đợi đó, có tới 68% người được hỏi cho rằng tổng thống nói “thiếu thuyết phục”.
Đêm đã phủ trên khu Belleville, quận 18. Đây là khu phố cổ và bình dân nằm phía Bắc thủ đô Paris. Nơi sinh sống và buôn bán - phần lớn - của di dân và người Pháp gốc di dân đến từ châu Phi và, từ 15 năm gần đây, người gốc Á châu đã chiếm đa số: Hoa, Việt, Lào, Khmer. Dân đến từ châu Á đã biến một khu, trước đó gần như ổ chuột, thành nơi nhộn nhịp buôn bán phồn thịnh với nhiều cửa hàng, siêu thị, quán cà phê, tiệm ăn…
Quán cà phê Le Boulevard trên con đường nhỏ xíu cùng mang tên Belleville là điểm hẹn của người Việt ở khu vực này. Ông bà chủ, người Việt gốc Hoa sinh trưởng ở Chợ Lớn (TPHCM), rất chiều khách. Khách người gốc Việt và cả người Pháp thường tụ tập chủ yếu để chơi cờ tướng, nói chuyện trời chuyện đất, chuyện gia đình và cả chuyện chính trị. Mọi người xem trực tiếp truyền hình buổi nói chuyện của ông François Hollande và tất nhiên, cũng có bình luận riêng.
Thật ra, cử tri Pháp chủ yếu thất vọng ông François Hollande về các vấn đề kinh tế suy sụp và tình trạng thất nghiệp cao chưa từng có. Nước Pháp đã và đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế dài từ hơn 3 năm nay, như và cùng lúc với rất nhiều nước khác. Một số nước như Đức, Thụy Điển, Mỹ đã vượt qua khó khăn và có chút hồi phục tăng trưởng kinh tế nhờ vào nỗ lực thắt lưng buộc bụng, nhờ vào tính linh hoạt của chính sách lương bổng nhưng người dân Pháp lại từ chối chấp nhận những điều này. Đó là mâu thuẫn lớn của xã hội Pháp. Phải nhìn nhận rằng lỗi không hoàn toàn thuộc về tổng thống. Bà Françoise Fressoz, nhà báo chuyên viết xã luận chính trị của tờ báo hàng đầu Le Monde nhận xét: “Khó khăn của Tổng thống là công dân Pháp không còn kiên nhẫn sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và suy sút mãi lực”.
Tổng thống Hollande đã làm mất lòng tin của cử tri về khả năng lãnh đạo của mình hay khả năng làm được những gì ông đã hứa khi ứng cử. Cương lĩnh chính trị “hồng”, đậm màu xã hội - đặc tính của cánh tả - ngày càng đổi màu qua “xanh dương”, màu biểu tượng của cánh hữu. Một năm đã gần qua, ông Hollande chỉ thực hiện được 1/3 những gì đã cam kết. Chưa kể đến một số không nhỏ những hứa hẹn về an sinh xã hội (ví dụ như tuổi về hưu trễ hơn). Nếu như ông đã thay đổi được đời sống chính trị và phong cách cầm quyền trở nên trong sạch hơn, đạo đức hơn, tiết kiệm ngân sách công thì ông thất bại về nhiều lĩnh vực quan trọng khác, như thất nghiệp, phát triển công nghiệp kém, nợ công cao, thuế cao...
Trong tình huống kinh tế, tài chính xuyên quốc gia và điều luật phải tuân theo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà nước Pháp là thành viên, chính phủ không có hai bàn tay trống để can thiệp hoặc làm bất cứ điều gì mình muốn. Hơn nữa, Pháp nằm trong eurozone nên cũng không thể tự chủ điều hành về giá trị đồng tiền. Và như tất cả quốc gia eurozone khác, Pháp cùng chịu ảnh hưởng, tốt hay xấu, khi có khủng hoảng tài chính và kinh tế của bất cứ thành viên nào trong khối này. Vì vậy, để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia, chính phủ chỉ dùng được vài công cụ để điều chỉnh như chính sách thuế, an sinh xã hội, chính sách về lương bổng, về hợp đồng làm việc, về tính linh hoạt...
Võ Trung Dung (Paris)