Phát động chiến dịch truyền thông phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Ngày 29-3, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ, Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh phát động “Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm A(H5N1) và cúm A(H7N9) lây sang người” tại phía Nam.
Phát động chiến dịch truyền thông phòng chống cúm gia cầm lây sang người

(SGGPO).- Ngày 29-3, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ, Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh phát động “Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm A(H5N1) và cúm A(H7N9) lây sang người” tại phía Nam.

Phát động chiến dịch truyền thông phòng chống cúm gia cầm lây sang người ảnh 1

Lễ phát động sáng ngày 29-3.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Tại Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Kết quả sau một năm, chưa ghi nhận vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm và ở người; được Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm cũng được khống chế, không để lan rộng, kéo dài và cúm A(H5N1) trên người từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên theo khuyến cáo của WHO và FAO, nguy cơ vi rút cúm A (H7N9) xâm nhiễm vào Việt Nam từ Trung Quốc là rất cao. Nguy cơ lây truyền bệnh cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chăn nuôi không hợp vệ sinh, thói quen ăn tiết canh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân làm thực phẩm ăn uống.

Đặc biệt, tại ĐBSCL, tập quán nuôi vịt chạy đồng rất phổ biến, vẫn còn hiện tượng vứt xác gia cầm ốm, chết trên các kênh rạch tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán, lây lan rộng. Nhiều tỉnh biên giới có sự giao lưu du lịch, thương mại với Campuchia, là nước có số mắc cúm A(H5N1) trên người cao, có nhiều ổ dịch trên gia cầm, do đó việc kiểm soát dịch cúm gia cầm lây sang người càng khó khăn hơn... 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh:  “Mặc dù hiện nay tại Việt Nam chúng ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H7N9) trên gia cầm cũng như ở người nghĩa là đang ở tình huống 1 của bản Kế hoạch hành động phòng chống cúm A (H7N9). Song lúc này toàn bộ các hoạt động phải được kích hoạt sẵn sàng phòng chống dịch đối với tình huống 2 là có ca bệnh trên người nhưng chưa có hiện tượng lây truyền từ người sang người. Công tác phòng chống dịch rất cần sự tham gia tích cực của toàn thể quần chúng nhân dân cũng như các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.

Đặc biệt mọi người dân cần thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm A (H5N1), A (H7N9) lây sang người: Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng.  Không vận chuyển, mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe...”

Phát động chiến dịch truyền thông phòng chống cúm gia cầm lây sang người ảnh 2

Tiêm phòng cúm gia cầm là biện pháp phòng chống dịch đang phát huy hiệu quả.

Ngay sau lễ phát động, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại “điểm nóng” bùng phát cúm gia cầm thuộc xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Trong tháng 1-2014, đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) ở Đồng Tháp và Bình Phước.

       Bình Đại

Tin cùng chuyên mục