(SGGP). - Ngày 14-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự lễ phát động và hội thảo khởi động xây dựng chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” - một sáng kiến quan trọng nhằm loại trừ nạn đói tại Việt Nam. Cùng dự có bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP); ông Hiroyuki Konuma, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Trưởng đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện của các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc lễ phát động.
Sáng kiến “Không còn nạn đói” được Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đưa ra lần đầu tại hội nghị phát triển bền vững Rio+20 tại Brazil vào tháng 6-2012, kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững. Còn tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan, chương trình này được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2025. Kế hoạch hành động này sẽ hỗ trợ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đặc biệt là cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay trên thế giới vẫn còn 805 triệu người thiếu đói; hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển; tình trạng “nạn đói tiềm ẩn”, do thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm được ghi nhận là trên khoảng 2 tỷ người. Trong khi đó, còn nhiều thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 7 tỷ người trên hành tinh, nhất là với những nước nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến “Không còn nạn đói” nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên thế giới với các trụ cột đó là: tất cả mọi người đều có đủ lương thực, không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng, hệ thống sản xuất lương thực bền vững, tăng năng suất và thu nhập cho các hộ gia đình nông nghiệp sản xuất nhỏ và không còn tổn thất, lãng phí lương thực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, nhờ thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nghèo - thiếu lương thực, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thủy sản với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6% và cơ bản đã hoàn thành những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) do Liên hiệp quốc phát động. Chính sự phát triển nhanh của nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững qua những cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới và khu vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bình quân khoảng 7%/năm trong 30 năm qua và bảo đảm được an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với hai thách thức lớn, đó là khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vì vậy, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện 2 chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là một trong 8 quốc gia tích cực thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hiệp quốc”, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành với Liên hiệp quốc trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tham gia sáng kiến “Không còn nạn đói” sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng xa, hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên…
LÂM NGUYÊN