(SGGP).- Chiều tối 23-3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì hội nghị công bố kết quả giám sát về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp (DN) với người lao động, nằm trong chương trình giám sát liên ngành giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Bộ LĐTB-XH được triển khai tại 16 DN trên địa bàn 6 tỉnh gồm Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp và An Giang. Theo kết quả Đoàn giám sát liên ngành công bố, về cơ bản các DN thực hiện việc ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia đóng BHXH; thực hiện việc quản lý sổ và hồ sơ tham gia BHXH của người lao động; có sổ theo dõi, cập nhật biến động tăng giảm lao động và chốt số nợ BHXH với cơ quan BHXH hàng tháng. Hầu hết các DN có giữ lại 2% tiền đóng BHXH và thực hiện việc tạm ứng tiền và thanh quyết toán các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động.
Tuy nhiên, từ đợt giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm về thực hiện chính sách BHXH. Có 15/16 DN thường xuyên đóng BHXH chậm theo quy định của Luật BHXH, ít nhất từ 1-2 tháng trở lên. Có 7/16 DN đăng ký và tham gia đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ cho người lao động làm việc tại DN. Các DN dệt may, thủy sản vi phạm quy định nhiều nhất và thường chỉ đóng BHXH cho người lao động sau 12 tháng làm việc. Có 1.985 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc nhưng DN chưa đăng ký tham gia đóng BHXH và 1.106 trường hợp được DN báo cáo là ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Điều bất cập là ở các DN nợ BHXH, hàng tháng đều có trích tiền đóng BHXH (khoảng 10,5%) từ tiền lương, tiền công của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH mà chỉ đóng theo kiểu “trừ nợ dần” vào quỹ BHXH, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hưởng BHXH của người lao động.
PHÚC HẬU