(SGGP).- Ngày 16-10, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ khi Việt Nam bắt đầu ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên vào tháng 4-2016 cho tới nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành xét nghiệm gần 2,4 vạn cá thể muỗi vằn tự nhiên để xác định khả năng muỗi có bị nhiễm virus Zika, virus truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue hoặc Chikungunya. Kết quả xét nghiệm phát hiện có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với vius Zika (0,24%), 29 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với virus Chikungunya. GS-TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh, kết quả xét nghiệm trên cùng với việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương trong thời gian gần đây khẳng định virus Zika hiện đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên. Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt đã được Bộ Y tế khuyến cáo.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika tại TPHCM (4 ca), Bình Dương (1 ca), Khánh Hòa (1 ca) và Phú Yên (1 ca). PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, trong thời gian tới, hệ thống giám sát dịch bệnh trong cả nước có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika tại cộng đồng vì hiện nay Việt Nam đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Ngoài ra sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các quốc gia Đông Nam Á nên nguy cơ nhiễm bệnh từ người trở về từ vùng dịch rất cao.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng trước dịch bệnh do virus Zika gây ra, Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như: tăng cường hoạt động Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC), hướng dẫn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh công tác truyền thông. Tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
MINH KHANG