Phát huy giá trị di sản Châu bản triều Nguyễn

(SGGP).- Sáng 22-11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức tọa đàm khoa học “Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương” nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11). Qua đó, bàn cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn cho hôm nay và mai sau.

(SGGP).- Sáng 22-11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức tọa đàm khoa học “Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương” nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11). Qua đó, bàn cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn cho hôm nay và mai sau.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 Hà Văn Huề nhìn nhận, Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính sản sinh trong quá trình hoạt động nhà nước của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945). Từ năm 1991, sau nhiều lần luân chuyển đi nhiều nơi, Châu bản triều Nguyễn được chuyển về bảo quản lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tại Hà Nội với số lượng 773 tập.

Vào tháng 5-2014, với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, theo PGS-TS Đỗ Bang, Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng xác nhận khẳng định chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua khảo sát tư liệu Châu bản triều Nguyễn cho thấy, Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế đất nước nên được các vua Nguyễn đặc biệt quan tâm. Triều Nguyễn đã huy động một lực lượng hùng hậu bao gồm nhiều bộ, nha của Trung ương phối hợp với quan chức địa phương và quân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết...

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng 22-11, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tổ chức và đón khách tham quan triển lãm Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Tử cấm thành, Đại nội Huế. Triển lãm có 92 panô in màu 153 châu bản (văn bản có bút phê của vua) được diễn giải theo chín nội dung, cung cấp cho người xem cái nhìn tổng thể về Châu bản triều Nguyễn. Riêng phần “bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam” được thể hiện qua 16 châu bản có nội dung thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa dưới thời Nguyễn.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục