Phát huy nội lực để phát triển bền vững

Tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2016 - Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh hội nhập” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 3-3-2016, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đầu ngành dự báo kinh tế năm 2016 sẽ phát triển ổn định, ít đột phá.

Tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2016 - Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh hội nhập” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 3-3-2016, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đầu ngành dự báo kinh tế năm 2016 sẽ phát triển ổn định, ít đột phá.

“Không quốc gia nào phát triển nhờ vốn FDI cả!”

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, nêu ra tại hội thảo. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, muốn nền kinh tế phát triển bền vững thì phải dựa vào nội lực, vào chính các doanh nghiệp (DN) trong nước. Để hỗ trợ DN trong nước, Nhà nước cần tạo ra môi trường, thể chế chính sách thuận lợi, giúp DN nuôi dưỡng sáng tạo, phát triển bền vững.

Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, vấn đề nghiêm trọng hiện nay là ở hoạt động xuất khẩu, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 7, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 3, mà trong nước chủ yếu là sản phẩm từ khai thác tài nguyên. Nếu chỉ số tăng trưởng của đất nước chủ yếu dựa vào tăng trưởng ở khối FDI thì chỉ có nước ngoài được hưởng, còn trong nước có nguy cơ dẫn đến tăng trưởng ảo. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cũng thừa nhận, Vissan thường mua heo ở các DN FDI. Nguyên nhân, Nhà nước ưu đãi cho khối DN FDI thời gian dài, giá thành tốt hơn, khiến sức cạnh tranh của DN trong nước yếu hơn. Do vậy, theo ông Mười, đã đến lúc cần cải thiện chính sách nội địa.

Nhiều đại biểu lo lắng hiện nay số lượng DN trong nước đóng cửa đang gia tăng. Năm 2015, số DN đóng cửa tăng 22% so với năm 2014 và 2 tháng đầu năm 2016 lượng DN đóng cửa cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Trong lúc DN nước ngoài liên tục phát triển thì DN trong nước vốn nhỏ về quy mô, nay nhỏ về số lượng, thì không cạnh tranh nổi trong bối cảnh hội nhập.

Xây dựng các doanh nghiệp mũi nhọn

Hầu hết các đại biểu đề nghị năm 2016, Nhà nước phải tập trung tháo gỡ vốn cho DN. Trong hội nhập, DN trong nước vốn yếu và thiếu kinh nghiệm, hoạt động nhỏ lẻ lại thiếu liên kết. Trong khi đó, nhìn các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vào Việt Nam thì kéo theo DN phụ trợ, nhưng DN trong nước thì không làm được vậy, DN lớn không kéo theo DN nhỏ phát triển cùng.

Hiện nay nguồn lực chính dẫn dắt nền kinh tế là công nghiệp chế tạo và xuất khẩu, mà phần đông ở lĩnh vực này là DN FDI. Để thay đổi cơ cấu nền kinh tế, phải giúp DN trong nước phát triển. Nhà nước cần đầu tư xây dựng những DN mũi nhọn để dẫn dắt thị trường và hỗ trợ DN nhỏ phát triển. PGS-TS Trần Đình Thiên đề nghị thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, các DN lớn phải đầu tư vào nông nghiệp, không để bà con nông dân tự bơi như lâu nay. Các DN phải chủ động nắm bắt thông tin, mở rộng thị trường xuất khẩu, chứ không nên thụ động ngồi chờ Nhà nước hướng dẫn.

Một kiến nghị khác, đó là muốn phát triển bền vững, Nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực vào những lĩnh vực sản xuất, có giá trị gia tăng, đừng để các DN vì muốn tăng trưởng nóng mà đầu cơ vào bất động sản, làm lãi suất tăng cao, gây lũng đoạn thị trường. Do vậy, cái cần nhất hiện nay ở DN là một chính sách đúng hướng, tạo niềm tin cho DN. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được soạn thảo, trong đó xác định DN Việt Nam là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều DN tham dự hội nghị cũng cảnh báo, các DN vừa và nhỏ muốn phát triển, trước tiên phải thay đổi tư duy. Cụ thể là phải xóa bỏ tư duy ma mãnh, như trốn thuế, lách thuế, kinh doanh gian dối... Chính các DN phải tạo ra giá trị chân chính thì mới phát triển bền vững được.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục