Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội TPHCM - Lâm Đồng

Phát huy thế mạnh của hai địa phương

Ngày 26-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về thăm tỉnh Lâm Đồng và dự Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và Lâm Đồng. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các ban ngành, các doanh nghiệp của hai địa phương.
Phát huy thế mạnh của hai địa phương

(SGGP).- Ngày 26-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về thăm tỉnh Lâm Đồng và dự Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và Lâm Đồng. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các ban ngành, các doanh nghiệp của hai địa phương.

Trong 5 năm qua, từ chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và Lâm Đồng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp của hai địa phương đã tích cực hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đạt được những kết quả bước đầu.

Tính đến nay, có 212 dự án của các đơn vị từ TPHCM đầu tư vào Lâm Đồng được chấp thuận chủ trương (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký trên 51.000 tỷ đồng, trong đó có 142 dự án đã được thỏa thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, 68 dự án đang triển khai với tổng vốn 12.613 tỷ đồng.

Với đặc thù về khí hậu, đất đai, Lâm Đồng đặc biệt có thế mạnh về du lịch, nông nghiệp, tài nguyên rừng…, do đó đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Về du lịch, có 83 dự án được chấp thuận chủ trương, tổng vốn đăng ký 36.162 tỷ đồng, 54 dự án đã được thỏa thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn gần 13.000 tỷ đồng; 19 dự án, với tổng vốn trên 5.000 tỷ đồng đã được triển khai.

Lĩnh vực du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Nhiều dự án triển khai nhanh và đã đi vào hoạt động có hiệu quả như khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, khách sạn Rex - Đà Lạt, khách sạn Ngọc Lan (Công ty cổ phần Thành Ngọc); Khu du lịch Madagui (Tổng Công ty Du lịch SG), Khu du lịch đồi Mộng Mơ (Công ty cổ phần Thành Ngọc)…

Về lĩnh vực nông nghiệp, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ TPHCM. Một số doanh nghiệp đã triển khai các dự án rau, hoa công nghệ cao, không chỉ đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp mà còn tác động tích cực đến việc nhân rộng mô hình tại địa phương.

Đến nay đã có 61 dự án nông nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích đất 10.355ha, tổng vốn đăng ký trên 2.300 tỷ đồng, trong đó, 49 dự án đã được triển khai với tổng vốn 386 tỷ đồng. Riêng Khu nông nghiệp công nghệ cao Lạc Dương đã thu hút 5 nhà đầu tư TPHCM trồng rau hoa và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích đất thuê 244ha, chiếm gần 50% quỹ đất khu quy hoạch…

Sau khi nghe ý kiến của các lãnh đạo địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh nỗ lực của hai địa phương trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng kết quả đạt được còn hạn chế so với tiềm lực của cả hai bên. Số dự án, số vốn đưa vào thực hiện còn quá nhỏ so với tổng số dự án được chấp thuận chủ trương và vốn đăng ký đầu tư.

Ngoài những dự án về kinh tế, cần có thêm các dự án về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo… Đồng chí chỉ đạo lãnh đạo hai địa phương cần nhìn thẳng vấn đề, mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân, để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Đồng chí lưu ý, cần nhận thức rằng sự hợp tác này là nhu cầu cần thiết, khách quan, tự thân, hợp tác để phát huy thế mạnh của cả hai địa phương.

Bích Hiền

Tin cùng chuyên mục