Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ. Lần đầu tiên trong Hiến pháp, chức năng giám sát và phản biện xã hội được đề cập một cách có hệ thống và được cụ thể hóa bằng quy chế. Theo đó, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ giám sát các cơ quan, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức và phản biện các văn bản dự thảo về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Trao đổi với Báo SGGP, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Phạm Văn Hải khẳng định ý nghĩa của việc này rất lớn, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa đồng thời là trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
* Phóng viên: Thời gian qua công tác giám sát, phản biện của MTTQ được quan tâm nhiều nhưng vẫn chưa như mong muốn, không ít cuộc giám sát chỉ mới đụng đến bên ngoài. Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến này?
* Ông PHẠM VĂN HẢI: Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện của MTTQ đã có nhiều nỗ lực và sự quan tâm nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Các hoạt động khảo sát và phối hợp giám sát được nâng cao chất lượng trên cơ sở phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia trong một số lĩnh vực về đời sống, xã hội. Đặc biệt là giám sát việc giải quyết một số đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục được duy trì và triển khai sâu rộng, hướng vào những vấn đề thiết thực với đời sống của các tầng lớp nhân dân… Công tác thanh tra nhân dân được củng cố, đeo bám đưa ra ánh sáng một số vụ việc, điển hình như vụ giám sát phát hiện tiêu cực một công trình ở huyện Bình Chánh. Qua thanh tra, đã có không ít cán bộ công chức bị xử lý. Trong những năm qua, MTTQ TPHCM cũng đã tổ chức phản biện nhiều chủ trương, chính sách đụng đến lợi ích thiết thân của người dân TP, đáp ứng phần nào mong mỏi của người dân. Do vậy, nếu nói không ít cuộc giám sát chỉ đụng đến bên ngoài là hơi oan cho mặt trận.
* Nhiều chuyên gia khi góp ý đều nhấn mạnh: công tác mặt trận phải đi sâu nghiên cứu giải quyết các vấn đề một cách thiết thực, cụ thể, tránh việc hô hào hình thức. Với nội dung giám sát, phản biện rộng như quy chế đề cập, theo ông, MTTQ triển khai như thế nào để đạt hiệu quả?
* Trọng trách của mặt trận hiện nay được quy định là rất lớn. Mặt trận muốn làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, chắc chắn phải biết huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là sự vào cuộc tích cực của các thành viên. Tuy nhiên, nếu “ôm đồm” hết tất cả thì hệ thống mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên không thể thực hiện trọn vẹn, hiệu quả không cao. Muốn thực hiện có hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương. Đối với TP, phải căn cứ vào những yêu cầu chung nhất, bức xúc nhất của người dân TP để đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, do không đủ sức để làm cùng lúc nhiều việc nên phải chọn lựa vấn đề, nội dung, tầm ảnh hưởng để làm trước. Làm đến đâu phải có hiệu quả đến đấy, nhằm đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân. Các chủ trương, chính sách có ảnh hưởng lớn đến người dân, vừa sức của mặt trận thì mới phản biện xã hội. Làm được điều này sẽ giúp các văn bản, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống thuận lợi hơn.
* Có quy chế rồi, làm thế nào để lắng nghe ý kiến nhân dân và phát huy tốt nhất trí tuệ xã hội trong giám sát và phản biện xã hội về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước?
* Thời gian qua, hệ thống mặt trận khi thực hiện nhiệm vụ, không ít nơi phát huy chưa tốt sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, sự phối hợp với các tổ chức thành viên. Đây là một trong những tồn tại mà mặt trận các cấp đang và sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Muốn giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả, mặt trận phải tập hợp được tất cả những tiếng nói tâm huyết trong dân và bản thân tổ chức mặt trận phải đi vào những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm. Điều quan trọng, theo tôi là khi triển khai quy chế giám sát và phản biện xã hội, mặt trận các cấp phải nắm được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của người dân, cả những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mặt trận phải đi sâu nghiên cứu vấn đề một cách cụ thể, tránh hô hào hình thức. Mặt trận không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe một cách thuyết phục, phải làm cho dân tin bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. Có như vậy mới tập hợp được ý kiến của dân và phát huy tốt nhất trí tuệ xã hội trong các hoạt động giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách.
HỒNG HIỆP (thực hiện)