Phát huy vai trò luật sư trong cải cách tư pháp

(SGGP).– Hôm qua 12-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam.

Báo cáo với Chủ tịch nước, luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch LĐLS, cho biết sau hơn 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, LĐLS đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bên cạnh việc chủ động tham gia vào công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật, LĐLS còn tiếp tục tham gia rà soát thủ tục hành chính theo đề án 30 của Chính phủ, thành lập Ban nghiên cứu pháp lý về biển Đông và hải đảo nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước… Năm 2011, các đoàn luật sư trong cả nước đã tham gia bào chữa hơn 17.500 vụ án hình sự, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của công dân, bảo vệ công lý, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp của giới luật sư Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số tồn tại như sự gắn kết giữa liên đoàn và các đoàn luật sư còn chưa chặt chẽ; một số luật sư còn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, nặng về cá nhân mà thiếu tinh thần xây dựng chung...

Trong quá trình cải cách tư pháp, vai trò của luật sư cần được chú trọng, phát huy, nhất là trong việc tham gia bào chữa tại các phiên tòa; góp phần hạn chế tối đa oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích của công dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Trong xu thế hội nhập, việc mở rộng giao lưu, hợp tác với LĐLS các nước nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ của luật sư Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế là một yêu cầu bức thiết.

B.An

Tin cùng chuyên mục