

Coop-Mart được xem là rất thành công trong đầu tư chuỗi siêu thị bán lẻ.
Trong hoạt động thương mại, phát triển mạng lưới phân phối là điều quan trọng nhất. Ở nước ta hiện nay phương thức phân phối hiện đại chỉ chiếm tỉ trọng 15%-20% hệ thống phân phối. Vì vậy, TPHCM đang định hướng cũng như các chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo định hướng này, vai trò của chợ truyền thống còn tồn tại nhiều năm nữa nhưng sẽ được cải thiện để tạo mỹ quan đô thị và phù hợp với thói quen mua sắm mới, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn. TPHCM đang triển khai thực hiện đề án xây dựng kênh phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa từ nay đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng và phát triển thương mại vững mạnh, hiện đại, dựa trên cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Xu hướng phát triển này sẽ coi trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh, đồng thời khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung, nhằm tạo dựng các nhà phân phối lớn của Việt Nam có thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Thành phố cũng thực hiện việc mở cửa thị trường phân phối theo đúng lộ trình cam kết gia nhập WTO; đồng thời xác lập sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tổ chức thị trường, tạo sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.
Trong quá trình xây dựng đề án này, chúng tôi đang tập trung vào từng chương trình nhánh như chương trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kênh phân phối; phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực cho các kênh phân phối; nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước về các hoạt động này… Như vậy, để đổi mới mô hình tổ chức, công nghệ quản lý và phương thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhà nước phải hỗ trợ để từng bước xây dựng, hình thành các tập đoàn, công ty mẹ-con kinh doanh chuyên ngành; các tập đoàn và công ty mẹ-con kinh doanh hàng hóa tổng hợp; các doanh nghiệp thương mại bán lẻ văn minh hiện đại; các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý và kinh doanh chợ; các công ty sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm, các hợp tác xã thương mại và hộ kinh doanh cá thể.
Để thực hiện đề án này, hàng loạt các vấn đề phải được triển khai đồng bộ, như quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng thương mại tại TPHCM gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung hình thành các chợ đầu mối trong khu vực, bố trí hệ thống mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, các khu mua sắm, khu thương mại-dịch vụ tập trung, trung tâm thương mại-triển lãm… Bên cạnh đó là việc đầu tư hình thành hệ thống kho hàng hóa nông sản, thực phẩm và xăng dầu; phát triển tổ chức các ngành hàng; xây dựng hệ thống chính sách nhằm huy động vốn đầu tư toàn xã hội cùng tham gia…
Phạm Hoàng Hà
Giám đốc Sở Thương mại TPHCM

