Để trở thành trung tâm vùng ĐBSCL thì nội lực phải mạnh, có tính chi phối, giữ nhịp, điều hướng và cả sự lan tỏa. Cần Thơ đã và đang nỗ lực hướng đến mục tiêu đó.
Nhiều chỉ số đáng mừng
Năm 2014 khép lại, Cần Thơ đã có những chỉ số rất đáng mừng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 1,3 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 380 triệu USD. Như vậy, Cần Thơ đã xuất siêu 970 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Cần Thơ lựa chọn, tập trung đầu tư sản xuất 3 mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường quốc tế là gạo, thủy sản và may mặc (giá trị xuất khẩu chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu). Trong năm đã có 5 dự án mới và 14 dự án điều chỉnh tăng vốn tổng cộng 54,8 triệu USD, tăng 7 triệu USD so với năm 2013, nâng tổng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Cần Thơ lên 1,91 tỷ USD.
Chuyến bay đầu tiên Đà Nẵng - Cần Thơ. Ảnh: THỐNG NHẤT
Sản lượng lúa đạt trên 1,396 triệu tấn, tăng hơn 1,9% so với năm 2013. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Cần Thơ tiếp tục gia tăng năng suất và sản lượng lúa nhờ tăng hệ số quay vòng đất qua 3 vụ gieo trồng. Cần Thơ đã xây dựng được 63 “cánh đồng mẫu lớn” có tổng diện tích 15.000ha với 12.000 hộ dân tham gia, chiếm 30% diện tích sản xuất lúa. Lợi nhuận mà nông dân thu được từ “cánh đồng mẫu lớn” cao hơn từ 1 - 4 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình.
Ngay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Cần Thơ đã “vượt qua chính mình”, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Qua 6 năm triển khai Quyết định số 366/QĐ-TTg (ngày 20-3-2009) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2009 - 2015), Cần Thơ đã trở thành đô thị loại I, tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển, hướng đến trở thành TP công nghiệp trước năm 2020; là một trong số 13 tỉnh, thành của cả nước điều tiết ngân sách về trung ương, ở mức 800 tỷ đồng (trong số 13.000 tỷ đồng), chiếm 22% ngân sách vùng ĐBSCL.
Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân kinh tế cao (13,07%); GDP bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 70,2 triệu đồng (tương đương với 3.298 USD), tăng gấp 2,26 lần so với năm 2009; quy mô sản xuất công nghiệp giữ vị trí thứ 2 của vùng (sau Long An), đóng góp khoảng 16% giá trị sản xuất toàn vùng; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 190.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17,2%/năm. Cần Thơ là điểm sáng trong vùng về phát triển đô thị, giáo dục - đào tạo (chiếm hơn 42% tổng số sinh viên, 36,5% tổng số giảng viên toàn vùng)…
Đợi chờ sự lan tỏa
Nhìn lại để phát triển bền vững hơn, trong cuộc họp sơ kết Quyết định số 366/QĐ-TTg vừa qua, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng đã chỉ ra 4 điểm yếu của Cần Thơ: Môi trường đầu tư, kết cấu hạ tầng, liên kết vùng ĐBSCL và chất lượng nguồn nhân lực.
So với các mục tiêu của Quyết định số 366/QĐ-TTg, hiện mới có 2/19 công trình do Trung ương làm chủ đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng (sân bay quốc tế Cần Thơ (giai đoạn 1), cụm cảng Cần Thơ); 57/105 công trình do Cần Thơ quản lý hoàn thành, đưa vào sử dụng. Giao thông phải đi trước một bước. Nhưng 2 công trình có tác động đến toàn vùng thực tế chưa phát huy như mong đợi.
Cảng Cái Cui vẫn “ì ạch” do cửa Định An bồi lắng, tàu 5.000 tấn không vào được; phần lớn hàng hóa ĐBSCL phải ngược lên TPHCM để xuất khẩu. Sân bay quốc tế Cần Thơ “trầm lắng” vì số chuyến bay đi/đến vẫn quá khiêm tốn; đường bay quốc tế hầu như chỉ có mấy chuyến (Đài Bắc - Đài Trung) mỗi khi tết đến xuân về.
Do vậy, vai trò “trung tâm” vùng (trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế - văn hóa; là đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế…) mà Nghị quyết số 45-NQ/TW đề ra cho Cần Thơ vẫn chưa đậm nét, chưa nổi rõ. Đã là “trung tâm” thì nội lực phải mạnh; có tính chi phối, giữ nhịp, điều hướng và cả sự lan tỏa. Muốn vậy, ngoài nỗ lực và sự năng động hơn nữa của chính mình, rõ ràng Cần Thơ còn rất cần sự phối hợp, hỗ trợ hơn nữa với các bộ, ngành (cơ chế thích hợp, điều tiết vốn, dự án ưu đãi hơn, thị trường cho sản phẩm…); cơ chế chính sách thu hút đầu tư và liên kết ngang - dọc chặt chẽ, hiệu quả hơn…
Trước mắt, Cần Thơ sẽ điều chỉnh cơ cấu kinh tế là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao. Một loạt công trình kết nối vùng sẽ có tác động tích cực cho vị thế Cần Thơ. Giữa năm 2017, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sẽ hoàn thành; thời điểm đó, cũng sẽ hoàn thành công trình kênh Quan Chánh Bố, tàu 10.000 - 30.000 tấn sẽ ra vào sông Hậu dễ dàng. Tiếp tục mở rộng nâng cấp tuyến quốc lộ 1 - Nam sông Hậu, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ… Bộ GD-ĐT đã ký với JICA (Nhật Bản) dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ lên chuẩn quốc tế, đầu tư vào 5 ngành rất cần cho ĐBSCL là kỹ thuật công nghệ, công nghệ sinh học, nông nghiệp, thủy sản và môi trường.
Cần Thơ sẽ xây dựng Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ ĐBSCL, Trung tâm nghề cá, Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm giám định pháp y tâm thần. Dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ (đầu tiên ở Việt Nam về loại hình này) do hai chính phủ Việt - Hàn đầu tư nhằm tăng giá trị xuất khẩu hàng nông, thủy sản và cơ khí cho cả vùng ĐBSCL (dự kiến hoạt động vào quý 1-2015) được đặc biệt quan tâm…
VŨ THỐNG NHẤT
| |