Phát triển chuỗi cung ứng bền vững

Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, giúp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt là một trong những chủ đề được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, hiện có rất ít doanh nghiệp (DN) làm tốt về chuỗi cung ứng. 
Thiếu định hướng 

Trong 5 năm gần đây, hàng loạt mặt hàng nông sản như dưa hấu, cà chua, hành tím, trái vải, chuối, thịt heo… luôn rơi vào tình trạng “được mùa - rớt giá” và ngược lại. Phải đợi đến khi các bộ ngành chức năng kêu gọi các địa phương, nhà bán lẻ chung sức “giải cứu” thì nông dân mới giảm thiểu tình trạng thất bát! 

Thực tế này có thể lý giải, người dân vẫn mang đậm tư duy sản xuất chạy theo đám đông, phong trào; chưa nắm bắt đầy đủ thông tin để sản xuất những sản phẩm thị trường cần. Nói cách khác, tại Việt Nam vẫn phổ biến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự kết nối chặt chẽ để thực hiện chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến phân phối. Chính sự bất cập này đã tạo đất cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nông sản không an toàn… trở thành bài toán khó cho các nhà quản lý. Mặt khác, áp lực về chiết khấu, chi phí tạo mã, phí đầu kệ, ép giá bán, thanh toán chậm không lý do... cũng khiến nhiều DN ngại đưa hàng vào siêu thị.

Còn một lý do khác, theo các nhà bán lẻ, đó là năng lực sản xuất của các DN; đặc biệt đơn vị sản xuất các mặt hàng đặc sản vùng, miền rất yếu nên hàng hóa đơn điệu, chưa chú trọng đầu tư khâu bao bì, mẫu mã, cũng chưa lấy đủ giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng nên khi đưa vào các hệ thống phân phối gặp rất nhiều khó khăn. 

Ở góc độ DN, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, nhìn nhận việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết; đặc biệt là các cơ chế chính sách cho tổ chức DN tham gia chuỗi đôi khi vẫn còn chung chung, chưa đi vào thực tiễn. Đây là rào cản lớn đối với DN khi tham gia chuỗi cung ứng.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua đối với một số mặt hàng, việc liên doanh liên kết gần như còn rất lỏng lẻo, thậm chí tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và không cần thiết, dẫn đến các thành phần khi tham gia chuỗi cung ứng chưa phát huy tối đa về hiệu quả, cũng như chưa xây dựng được các chuỗi đủ bền vững, mạnh, đủ lớn để tham gia thị trường kinh tế hội nhập.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng từ thực tế triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt và trứng gia cầm tại TPHCM, nếu các DN tổ chức tốt chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối thì hoàn toàn có thể quản lý tốt về mặt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, việc thực hiện truy xuất cũng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. Thông qua việc thực hiện truy xuất, chúng ta sẽ từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung; trong khâu phân phối cũng loại dần tình trạng bán hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nên có mô hình thí điểm

Mới đây, tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xác định được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương (trong đó có Bộ Công thương) xây dựng cơ chế chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ DN phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Theo đó, Bộ Công thương tham mưu Chính phủ xây dựng một số đề án, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi ung ứng hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu đến các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến năm 2020”…

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, sau 30 năm đổi mới, mở cửa nền kinh tế, một số chuỗi cung ứng nội địa cũng như toàn cầu đã được thành lập và ngày càng phát triển, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các chuỗi cung ứng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, giày dép… và các dịch vụ bán lẻ nội địa hiện đại tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử. Nhưng con số này chưa nhiều, chưa trở thành phổ biến, đặc biệt ở nhóm các mặt hàng nông sản.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, để hỗ trợ DN phát triển được chuỗi cung ứng, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ việc xây dựng chính sách dễ áp dụng vào cuộc sống đến việc giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy DN tham gia chuỗi. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tín dụng hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp các đơn vị tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận và chủ động nguồn vốn trong việc triển khai các khâu, các bước của chuỗi liên kết. 

Một số ý kiến cũng đề xuất Bộ Công thương làm đầu mối lựa chọn tổ chức DN, xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường, đặc biệt trong chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn mang thương hiệu Việt Nam. Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, điều quan trọng là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà quản lý, nhà sản xuất và DN), trong bối cảnh phần lớn các DN Việt đều là DN nhỏ và vừa. Theo đó, DN phân phối và nhà sản xuất phải chủ động tìm đến nhau, thay đổi tâm thế bị động, chờ đợi; từ đó có sự trao đổi, ký kết về tiêu thụ sản phẩm. Trong khi phía DN phân phối cam kết đảm bảo đầu ra ổn định và phía nhà sản xuất cũng phải đảm bảo được chất lượng, giá cả cạnh tranh, đặc biệt là khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu như hiện nay.
Phát triển chuỗi cung ứng bền vững ảnh 1 Sản xuất trứng tại Công ty Ba Huân, một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt từ sản xuất 
đến tiêu thụ sản phẩm               Ảnh: CAO THĂNG
 Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội, Tập đoàn Central Group Việt Nam, BigC Việt Nam được xây dựng trên cam kết và hành động cụ thể trong việc duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng và sản xuất nội địa, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng. Đây là yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, giúp tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cùng có lợi ích lâu dài.
Để thực hiện được mục tiêu này, BigC Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp để xây dựng chuỗi cung ứng như chính sách thu mua của hệ thống siêu thị luôn ưu tiên cho hàng trong nước. Từ tháng 10-2016, BigC đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chuyển mình, bứt phá, mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại… BigC cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa với các DN tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung, thông qua việc cung cấp các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm giúp DN dễ dàng đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.
 Chia sẻ kinh nghiệm khi xây dựng thương hiệu trứng gà Ba Huân, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội, cho hay, điều DN luôn coi trọng đó là chữ tín. Khi đã tin tưởng cùng hợp tác, chắc chắn sẽ có sự bền vững lâu dài. DN phải luôn giữ chữ tín với nhà sản xuất bằng việc giữ đúng cam kết và không bao giờ để nhà sản xuất, bà con nông dân chịu thiệt. Nếu giá trứng gia cầm trên thị trường xuống thấp, DN sẽ có sự hỗ trợ về giá tốt nhất với bà con. Chính vì đặt niềm tin vào DN nên trong giao dịch, làm việc, bà con nông dân sẽ không bỏ qua cam kết với DN để bán hàng cho thương lái. Chính cách làm này đã giúp Ba Huân phát triển ổn định, trở thành DN cung ứng trứng hàng đầu tại Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục