Trung bình mỗi năm, dịch vụ logistics mang lại khoảng 20% trong tổng nguồn thu của quốc gia. Làm gì để con số này tăng thêm? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) kiêm Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội giao nhận ASEAN (AFFA).
Logistics Việt Nam xếp hạng 53
- Phóng viên: Thưa ông, vừa qua trong hội thảo về cơ hội phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics do VLA và Tạp chí Logistics tổ chức, ông có khẳng định: “Giành lại quyền vận tải - logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam là một thực hành khôn ngoan”. Căn cứ nào để ông đưa ra nhận định này khi mà vẫn có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam chưa tốt?
>> Ông ĐỖ XUÂN QUANG: So với nhiều nước trên thế giới, dịch vụ logistics Việt Nam còn khá non trẻ. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đất nước, dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Năm 2011, theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chất lượng dịch vụ logistics tại 155 quốc gia bao gồm cả các quốc gia phát triển, dịch vụ logistics Việt Nam được xếp thứ 53, trên cả một số nước trong khu vực như Indonesia (xếp thứ 59). Năm 2012, dịch vụ logistics Việt Nam không được nâng hạng nhưng cũng không bị xuống hạng… “Bước dừng” này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do khủng khoảng kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nên dịch vụ logistics đi kèm cũng chững lại. Có 6 tiêu chí để Ngân hàng Thế giới đưa ra bảng xếp hạng này, đó là: cơ sở hạ tầng, mức độ dễ dàng khi thu xếp vận chuyển hàng hóa quốc tế, năng lực logistics (chất lượng logistics, giá cả, chi phí dịch vụ logistics) khả năng truy xuất hàng hóa và thời gian giao hàng. Điều đó có nghĩa, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay hoàn toàn có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ khách hàng dù ở bất kỳ không gian địa lý nào và bất cứ thời gian nào khách hàng yêu cầu với chi phí hợp lý.
- Nếu có đủ năng lực như ông nói, điều đó có nghĩa dịch vụ logistics Việt Nam hoàn toàn có khả năng hấp dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước?
Vấn đề là hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn tập quán “mua CIF bán FOB”, xem nhẹ, thậm chí phó thác cho đối tác nước ngoài quyền chủ động thuê vận tải - logistics. Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam thực chất chỉ làm hàng gia công cho nước ngoài. Do vậy, quyền nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm thuộc quyền của đơn vị đặt gia công, tức đơn vị nước ngoài. Một phần không nhỏ doanh nghiệp xuất nhập khẩu 100% Việt Nam lại có tư tưởng yếm thế, ngại… cho rằng giao cho đối tác nước ngoài lo việc vận chuyển hàng hóa thì chắc ăn hơn.
Nên lập Ủy ban quốc gia về logistics
- Như vậy, bên cạnh lời kêu gọi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ bỏ thói quen “mua CIF bán FOB”, các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải có những hành động cụ thể gì để hấp dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
Thời gian gần đây, sau khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA), tạo sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã chủ động làm việc với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, tư vấn và thuyết phục doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay đổi phương thức mua bán truyền thống. Việc này, bước đầu đã có những kết quả hết sức khả quan. Song song đó, VLA cũng tổ chức nhiều hội thảo tìm hiểu, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tìm tiếng nói chung. Thế nhưng, cũng phải nói rằng, để thay đổi quyền vận tải - logistics, phải có những chuyển biến đồng bộ và từ nhiều phía. Về phía nhà nước, cần có chiến lược phát triển đội tàu, nâng dần năng lực và thị phần các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam; chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt nam có đủ năng lực, chuyên nghiệp và mạng lưới đáp ứng nhu cầu của các chủ hàng Việt Nam; phát triển năng lực các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam; các chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ cho nhà xuất nhập khẩu. Về phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cũng cần nhận thức các lợi ích trong việc thay đổi tập quán mua bán truyền thống, chú ý đàm phán để giành quyền vận tải và logistics cũng như bảo hiểm để vừa tiết kiệm và chủ động trong chi phí, vừa tạo ra thế cạnh tranh giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng của mình. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics rất cần nâng cao năng lực xây dựng mạng lưới ở nước ngoài và tính chuyên nghiệp để phục vụ khách hàng có chất lượng và uy tín.
- Trong bối cảnh tập quán truyền thống “mua CIF bán FOB” vẫn còn khá phổ biến, việc đầu tiên cần làm để thay đổi truyền thống này là gì?
Theo tôi, phải bắt đầu từ cơ chế. Hiện nay, theo Nghị định 140/2007 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, Bộ Công thương chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về quản lý hoạt động logistics nhưng nghị định này cũng quy định, Bộ GTVT, Bộ TT-TT… trong nhiệm vụ quyền hạn của mình, kiểm soát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý (Điều 9). Về nguyên tắc, nhiều bộ ngành có quyền quản lý dịch vụ logistics như thế nhưng trên thực tế lại chẳng có bộ ngành nào nghĩ mình có trách nhiệm chính đối với hoạt động logistics. Hoạt động logistics vì thế không được quan tâm và đầu tư đúng mức như vị thế và lợi ích có thể mang lại cho đất nước.
Ngoài Nghị định 140/2007, chưa có quy định cụ thể nào, đặc biệt hầu như chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho logistics phát triển. Tôi cho rằng, cần có một ủy ban quốc gia cho hoạt động này bởi tính chất đa dạng: vận tải, thương mại, bảo hiểm… của logistics và bởi tầm quan trọng của logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa của đất nước. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics cắt giảm chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng là một cách mà nhà nước có thể hỗ trợ tốt cho hoạt động logistics. Tất nhiên, không thể thiếu là doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần gắn kết với nhau, đó là việc cần làm ngay. Các hiệp hội chủ hàng cũng như các hiệp hội ngành logistics cần phổ biến, vận động, tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ Việt Nam trong đó có dịch vụ logistics, vận tải, bảo hiểm…
Riêng trong lĩnh vực hàng hải, hiện Việt Nam có rất nhiều cảng biển nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật lại chưa kết nối được với nhau và kết nối đến các trung tâm sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa. Điều đó đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động logistics trong lĩnh vực hàng hải. Nhiều loại phí trong lĩnh vực này đã được ban hành từ 20 - 30 năm nay và đã trở nên lạc hậu. Nhà nước cần rà soát lại và điều chỉnh cho phù hợp hơn. Công tác đào tạo nhân lực cho hoạt động logistics cũng cần được quan tâm hơn. Hiện nay nhân lực cho công tác này vừa thiếu lại vừa yếu. Nhiều trường đại học hiện nay như Đại học GTVT, Đại học Quốc gia TPHCM... đã bắt đầu mở và tuyển sinh khoa logistics và quản trị dây chuyền cung ứng (SCM). Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho ngành logistics Việt Nam.
| |
NGUYỄN KHOA thực hiện