
Ngày nay các NH thương mại không chỉ chạy đua tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống.
Quản lý trực tuyến tiền gửi, tiền vay

Với các tài khoản vãng lai truyền thống trên thị trường, khi tiền trong tài khoản vượt trên mức ấn định thì NH sẽ tự động quyết định đầu tư toàn bộ khoản tiền dôi ra vào loại hình đầu tư mà NH tự lựa chọn. Khách hàng muốn chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn thì phải nhận thông tin về lãi suất từ nhân viên NH, sau đó đăng ký gửi tiền có kỳ hạn tại NH.
Giờ đây, với sản phẩm “Tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến” của HSBC, chỉ bằng một cú click chuột, khách hàng có thể linh hoạt thực hiện quyết định thời điểm đầu tư, số lượng tiền và loại hình đầu tư. Cụ thể, khách hàng có thể truy cập dễ dàng vào HSBCnet - mạng NH trực tuyến toàn cầu của HSBC với hệ thống tự động hóa hoàn toàn, không cần giấy tờ, do đó khách hàng có thể ký gửi tiền bất cứ nơi nào vào bất cứ lúc nào.
Với VNĐ và các loại ngoại tệ: AUD, HKD, GBP, EUR và USD, dịch vụ này cho phép khách hàng sử dụng mạng HSBCnet để kiểm tra mức lãi suất chuẩn, đặt lệnh ký gửi tiền với mức lãi suất chuẩn và lãi suất đặc biệt cũng như thay đổi hình thức ký gửi của tài khoản hiện hữu vào ngày đáo hạn. Thời hạn đầu tư tối thiểu cho tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến là 2 ngày và không có thời hạn tối đa.
Không chỉ giúp khách hàng quản lý và đầu tư tiền gửi trực tiếp, hiện nay ACB là NH đầu tiên ở nước ta triển khai cho vay qua mạng, giúp khách hàng có thể đăng ký vay vốn ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Khách hàng sẽ được nhận kết quả xét duyệt trực tuyến và chỉ cần đến ACB một lần để nhận tiền vay. Đặc biệt, người vay có thể sử dụng công cụ qua mạng để tính toán số tiền trả nợ phù hợp số tiền vay, thời hạn vay và phương thức trả nợ hàng tháng.
Chị Nguyễn Thị Thu ở quận 5 TPHCM cho biết: “Trước đây tôi hay truy cập vào website của SHB tìm kiếm các thông tin cần thiết như số dư tài khoản, tra cứu lãi suất, tỷ giá, điểm đặt ATM, điểm giao dịch... mà không cần phải mất thời gian và chi phí đến giao dịch tại NH.
Gần đây, khách hàng có tài khoản tiền vay tại SHB có thể sử dụng thêm tiện ích mới từ dịch vụ trực tuyến của SHB để truy cập tìm thông tin như: NH sẽ giải ngân bao nhiêu tiền, vào những ngày nào, người vay sẽ phải trả lãi bao nhiêu, ngày nào trả gốc, người vay đã trả bao nhiêu... NH còn thường xuyên gửi email và tin nhắn SMS nhắc nhở về thời gian trả gốc, lãi.. giúp tôi có thể yên tâm kiểm soát quá trình vay vốn, tránh việc quên lịch trả nợ khiến bị phạt lãi suất”.
Hoàn thiện công nghệ bảo mật
Với một hệ thống giao dịch qua Internet của các NH hiện nay, việc bảo mật thông tin khách hàng là vô cùng cần thiết. Đã có không ít NH triển khai các dịch vụ trực tuyến nhưng thực tế số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ vẫn chưa nhiều. Một trong những nguyên do chính khiến khách hàng còn e ngại và chưa yên tâm khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến của NH là vấn đề bảo mật công nghệ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Tổng giám đốc VIB Bank, cho rằng khi thu nhập ngày càng tăng cao thì người dân rất cần được cung cấp một công cụ quản lý tài sản hiệu quả và an toàn, giúp người dân có thể tối đa hóa lợi nhuận từ đầu tư. Điều này đặt ra một thách thức cho các NH trong việc tìm ra một giải pháp công nghệ hữu hiệu đáp ứng cho các khách hàng. Ngay như khi triển khai dịch vụ ibanking, SHB đã phải tăng cường chức năng mã hóa mật khẩu bằng MD5 và chức năng nhập liệu bằng bàn phím ảo. Mật khẩu đăng nhập của khách hàng trên đường truyền từ phía khách hàng về SHB được mã hóa, tránh việc hacker đột nhập đường truyền và lấy đi mật khẩu của khách hàng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn cho khách hàng, SCB cũng đang cải tiến, hoàn thiện hệ thống NH cốt lõi tiên tiến (corebanking) và áp dụng công nghệ mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Sau một thời gian chọn thầu với nhiều nhà cung cấp, mới đây SCB đã ký kết với 2 đối tác là Temenos - nhà cung cấp giải pháp NH nổi tiếng của thế giới - và tập đoàn công nghệ thông tin IBM.
Theo đó, Temenos sẽ cung cấp cho SCB giải pháp phần mềm NH cốt lõi. Hệ thống này sẽ là nền tảng để SCB bảo mật thông tin thông suốt và an toàn hệ thống cơ sỡ dữ liệu, nâng cao khả năng quản trị nội bộ, quản trị rủi ro khi mở rộng mạng lưới hoạt động trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để SCB triển khai các sản phẩm dịch vụ quản lý tài sản và hệ thống khách hàng. Ngoài ra, các chuyên gia của IBM sẽ tham gia cùng SCB xây dựng kế hoạch, hỗ trợ đào tạo và cung cấp các thiết bị thử nghiệm cho những dự án CNTT quan trọng của SCB; hỗ trợ quá trình phát triển chiến lược CNTT của SCB giai đoạn 2007-2012.
Dịu Ngân