Sau khi tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành đô thị loại một, nhiều năm qua TP Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc bởi hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng thành một thành phố văn minh - văn hóa. Thế nhưng khi cơ sở hạ tầng phát triển ở “đỉnh cao”, Đà Nẵng mới giật mình vì “quên” đầu tư cho… văn hóa.
Thành phố Đà Nẵng trẻ, năng động, phát triển với tốc độ nhanh nhưng các thiết chế văn hóa - thể thao chưa được đầu tư xứng tầm.
Chưa quan tâm đúng mức
Trong vòng 17 năm kể từ ngày tách tỉnh, Đà Nẵng phát triển vượt bậc. Hàng ngàn căn nhà tạm bợ, rách nát, ô nhiễm ở bờ Đông sông Hàn nay được thay thế bởi những tòa nhà cao tầng, những dãy phố bề thế. Những con đường nhựa nhỏ hẹp năm nào nay trở thành những tuyến đường đẹp, bãi biển hoang vu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh... Thế nhưng, nhìn lại, mọi người mới giật mình khi quá tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, TP dường như lại “quên” đầu tư cho văn hóa - cái tạo nên hồn cốt, cái đặc trưng, nếp sống văn hóa - văn minh và đời sống tinh thần của người dân TP.
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, đến nay có 6/7 trung tâm văn hóa - thể thao (TT VH-TT) cơ bản hoàn thành về cơ sở vật chất và đang hoạt động (đạt tỷ lệ 85,71%). Riêng TT VH-TT quận Liên Chiểu, sau nhiều lần điều chỉnh địa điểm, năm 2013 bắt đầu khởi công. Về cấp xã, phường, toàn TP có 11/56 phường, xã có Nhà văn hóa/TT VH-TT (đạt tỷ lệ 19,64%).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, thừa nhận, trong một thời gian dài, các thiết chế VH-TT không được quan tâm đầu tư đúng mức, xứng tầm mà manh mún, nhỏ lẻ hoặc không đồng bộ nên người dân không được thụ hưởng để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đến khi xây dựng thì lại không đồng bộ, thiếu cân đối, thiếu dự án tổng thể nên đưa vào sử dụng gặp nhiều bất cập, hiệu quả không cao. Ở một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển VH-TT dẫn đến thiếu sự quan tâm. Đội ngũ cán bộ văn hóa chủ yếu là kiêm nhiệm, yếu và thiếu chuyên môn nghiệp vụ hoặc chỉ là dân “tay ngang”, không được đào tạo bài bản.
Nhà biểu đa năng này được TP Đà Nẵng đầu tư 90 tỷ đồng nay lại bán 50 tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Chiến, tuy TP đã quy định đầy đủ số lượng, chức danh phụ trách quản lý văn hóa nhưng tại một số UBND xã, phường còn chưa bố trí đủ số lượng, đảm bảo chất lượng hoạt động, phân công cán bộ kiêm nhiệm, chưa chú trọng tuyển dụng và bố trí người có trình độ chuyên môn phù hợp. Vì thế, đến nay chỉ mới 30% cán bộ văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ.
Chính vì vậy, suốt một thời gian dài không được quan tâm đầu tư đúng mức tạo thành “lỗ hổng văn hóa” trong một TP trẻ với sức phát triển mạnh như Đà Nẵng.
Nhà văn hóa thành… bãi giữ xe!
Do đầu tư không đồng bộ, thiếu kinh phí hoạt động, nội dung nghèo nàn, cán bộ vừa yếu vừa thiếu…dẫn đến các cơ sở VH-TT từ… bất động trở nên “chết yểu”. Có nhiều nơi, Nhà văn hóa chủ yếu để tổ chức các cuộc họp, thậm chí có nơi bị biến thành bãi giữ ô tô.
Vừa qua, Tiến sĩ Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Thạc sĩ Đàm Thị Vân Dung (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) đã tiến hành khảo sát: “Lấy ý kiến người dân về thực trạng và nhu cầu sử dụng đối với hệ thống thiết chế VH-TT trên địa bàn sinh sống” tại 3 phường thuộc quận Hải Châu, 2 xã thuộc huyện Hòa Vang và đưa ra các nhận định bất ngờ: không có xã, phường nào có thư viện, phòng đọc sách cho người dân; 2 sân chơi dành cho người lớn tuổi và trẻ em tại xã Hòa Tiến và Hòa Châu đều nằm trước nghĩa trang liệt sĩ; nhà văn hóa xã, phường được sử dụng hầu hết cho các cuộc hội họp; nguồn nhân lực quản lý và duy trì hoạt động VH-TT là cán bộ kiêm nhiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ…
Không chỉ các cơ sở VH-TT phường, xã thiếu, yếu và… bất động, các cơ sở văn hóa cấp TP cũng tương tự. Từ khi TP Đà Nẵng thu hồi khu đất 84 Hùng Vương ở trung tâm TP, giao cho tập đoàn Trung Nam xây dựng tòa tháp đôi cao 48 tầng, Trung tâm Văn hóa thành phố (TTVHTP) được xây dựng cạnh tượng đài 2-9, hoạt động chủ yếu là nhà biểu diễn đa năng. Mặc dù được đầu tư xây dựng gần 100 tỷ đồng, nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, cơ sở này cũng... “chết yểu”. Đến nay, nhà biểu diễn này được bán lại cho tập đoàn Mặt trời (Sun Group) để xây dựng Công viên châu Á. Một lần nữa TTVHTP bị di dời và chờ… xây dựng.
Đầu tư tổng lực cho văn hóa
Trước thực trạng các cơ sở văn hóa không được quan tâm đầu tư tạo nên “lỗ hổng văn hóa”, TP Đà Nẵng chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và đầu tư tổng lực cho văn hóa.
Qua nhiều cuộc họp và gần đây nhất là Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 (mở rộng) vào tháng 11 vừa qua, những hạn chế, tồn tại về văn hóa của Đà Nẵng được lãnh đạo TP và các sở ngành, địa phương đưa ra mổ xẻ, tìm giải pháp chấn chỉnh. Từ đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hàng loạt công trình văn hóa.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, khẳng định: Muốn xây dựng TP văn hóa thì phải có cơ sở VH-TT xứng tầm, phù hợp, gắn liền và phục vụ đời sống người dân. Trước mắt, TP Đà Nẵng đầu tư gần 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện 4 công trình văn hóa trọng điểm: xây dựng, cải tạo Thư viện Khoa học Tổng hợp TP, nâng cấp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đặc biệt, TP dành gần 30 tỷ đồng để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật TP và gần 200 tỷ đồng để củng cố, xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa tại quận huyện, xã phường…
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết thêm, ngoài việc đầu tư xây dựng các thiết chế VH-TT, ngành VH-TT-DL TP Đà Nẵng cũng đánh giá lại hoạt động VH-TT mang tính cộng đồng, tạo điều kiện và hỗ trợ các hoạt động này nối kết với các TT VH-TT nhằm tạo sự đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân và du khách.
Diện mạo mới cho văn hóa Đà Nẵng Đại diện Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng cho biết: Từ trước đến nay, ngành văn hóa TP chưa từng nhận được sự đầu tư lớn như bây giờ. Trước đây, đầu tư cho ngành văn hóa của Đà Nẵng lại ở mức rất thấp (chỉ khoảng 0,9% ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, trong khi theo yêu cầu của Trung ương, các địa phương phải dành 1,8% ngân sách cho lĩnh vực này) dẫn đến việc thiếu trầm trọng các thiết chế VH-TT từ TP đến cơ sở. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm của TP cùng với các thiết chế VH-TT ở cơ sở sẽ là động lực có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa TP, đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, nếu như trước đây, một số cơ sở văn hóa của TP có xu hướng dần chuyển ra vùng ven thì nay được lãnh đạo TP chủ trương giữ lại ở những địa điểm thuận lợi. Những điều này sẽ tạo động lực và bệ phóng cho văn hóa Đà Nẵng phát triển, tạo nên một diện mạo văn hóa mới cho TP trong tương lai. |
NGUYÊN KHÔI