Phát triển du lịch ĐBSCL: Đánh thức “kho báu” sông nước, biển đảo

Ở Việt Nam, không nơi nào có điều kiện tốt đẹp để liên kết phát triển du lịch biển đảo, sông nước bằng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian qua, “kho báu” này chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức dẫn đến tình trạng du lịch ĐBSCL dù được xác định là 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch cả nước nhưng rất đơn điệu, nhàm chán, trùng lắp… Điều này được rất nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch khẳng định tại hội thảo quốc tế phát triển du lịch biển đảo và sông vùng ĐBSCL ngày 28-5 tại Phú Quốc - Kiên Giang.
Phát triển du lịch ĐBSCL: Đánh thức “kho báu” sông nước, biển đảo

Ở Việt Nam, không nơi nào có điều kiện tốt đẹp để liên kết phát triển du lịch biển đảo, sông nước bằng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian qua, “kho báu” này chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức dẫn đến tình trạng du lịch ĐBSCL dù được xác định là 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch cả nước nhưng rất đơn điệu, nhàm chán, trùng lắp… Điều này được rất nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch khẳng định tại hội thảo quốc tế phát triển du lịch biển đảo và sông vùng ĐBSCL ngày 28-5 tại Phú Quốc - Kiên Giang.

Nhàm chán vì mạnh ai nấy làm

Thời gian qua, du lịch ĐBSCL có sự phát triển khá mạnh. Năm 2009, lượng khách du lịch quốc tế đến toàn vùng hơn 1,2 triệu lượt người, 8 triệu lượt khách nội địa, gấp 3 lần so với năm 2000. Nhưng sự phát triển du lịch tại ĐBSCL mới dừng lại ở việc khai thác những tìm năng sẵn có chứ chưa tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng và sức cạnh tranh cao.

Đặc biệt là thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng. Các doanh nghiệp du lịch hoạt động đơn lẻ, tự phát chưa tính đến việc liên kết khai thác các tìm năng của từng địa phương trong khu vực theo một chính sách nhất quán, chiến lược chung. Từ đó không tạo được thế mạnh thương hiệu đặc trưng cho vùng ĐBSCL và từng địa phương.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, đặt vấn đề: Phải nhìn nhận là du lịch ĐBSCL có thế mạnh nhưng sao không có khách? Vì còn nhiều yếu kém, trùng lắp, không có tiếng nói riêng cho mình, tính hấp dẫn yếu. Đơn cử như chuyện tàu du lịch trên sông, nơi nào cũng giống hệt nhau, treo đầy vỏ xe… nhưng không có nhà vệ sinh hoặc quá dơ. Mật ong chứa bằng vỏ chai nước suối, rượu Gò Đen đựng trong thùng nhựa, du khách làm sao dám mua tặng bạn bè, đặc biệt là khách nước ngoài. Cần quan tâm đến nguyện vọng khách du lịch, ngay cả những chuyện hết sức nhỏ nhặt, tôn trọng khách du lịch một cách đúng nghĩa.

Ông Phan Đình Huê, Phó hiệu trưởng Trường Du lịch và tiếp thị quốc tế, cho biết: Chương trình du lịch đến ĐBSCL thường mang tính ghép nối vì nhàm chán, do vậy khách về đây chỉ lưu lại 1 - 2 ngày. Tài nguyên du lịch lớn, khách rất muốn đến nhưng ít vì ta thiếu dịch vụ đạt chuẩn; ít khai thác các thế mạnh sông, biển đảo, hoạt động tiếp thị yếu.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương nhìn nhận: Kiên Giang có địa hình đa dạng có đồng bằng, sông núi, 143 đảo lớn nhỏ, chiều dài đường bờ biển trên 200km, có biên giới bộ dài 56,8km và vùng biển giáp với vương quốc Campuchia. Đặc biệt, đảo Phú Quốc được Chính phủ quyết định đầu tư phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, mang tầm khu vực, quốc tế. Đây là những thế mạnh trong việc giao thương, phát triển du lịch, đặc biệt với các địa phương ở ĐBSCL và các nước trong khu vực. Hoạt động du lịch có sức phát triển. Tuy nhiên, đánh giá chiều sâu thì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Kiên Giang vẫn còn thấp, thiếu hấp dẫn…

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.

Thiếu nhạc trưởng

Tiềm năng phát triển du lịch sông nước, biển đảo tại ĐBSCL được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Toàn vùng có 750km bờ biển, lãnh hải 360.000km², 28.000km sông, kênh, rạch; rất nhiều đảo ở Kiên Giang, Cà Mau có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt như Phú Quốc…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, xóa bỏ tình trạng trùng lắp sản phẩm du lịch đang phổ biến tại ĐBSCL là vấn đề cấp thiết hiện nay. Do vậy phải liên kết để cùng nhau phát triển. Còn theo ông Hideki Asami, Tổng giám đốc Nikken Sekke Civil Engineering, yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển đảo là hạ tầng giao thông, thủy bộ, hàng không. Không thể phát triển du lịch Phú Quốc riêng rẽ mà phải chủ động liên kết vùng miền, đặc biệt là ĐBSCL, Campuchia, Thái Lan.

Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL băn khoăn: ĐBSCL là vùng sông nước đặc thù nổi tiếng độc đáo của thế giới, nhưng đầu tư của nhà nước về phát triển du lịch ĐBSCL chưa nhiều, chưa vực dậy sự phát triển du lịch. Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Nhất là phải có nhạc trưởng chỉ huy do vậy nên thành lập ban điều phối chung về du lịch ĐBSCL để phát triển đồng bộ…

Kết thúc hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh hạ tầng, tạo điều kiện cho ĐBSCL phát triển du lịch. Sắp tới sẽ xây xây dựng website quảng bá du lịch ĐBSCL. Quý 3-2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề liên kết du lịch ĐBSCL, từ đó xác định nhạc trưởng, xây dựng hành lang pháp lý, để thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển bền vững…  

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục