Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang EU, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cũng có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm tháo gỡ vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (còn gọi là chứng thư) cho các sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng gia vị.
Theo phản ánh của VPSA, từ ngày 1-7-2025, quy định cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh theo Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT.
Tuy nhiên, thông tư mới chưa kế thừa đầy đủ hướng dẫn của Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT, dẫn đến lúng túng trong thực hiện tại địa phương. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không thể hoàn thiện hồ sơ đúng hạn, hàng hóa bị chậm thông quan, ảnh hưởng tiến độ giao hàng và gây thiệt hại tài chính.

Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gia vị đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng do không đáp ứng được yêu cầu về chứng nhận an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU. Việc chậm trễ cũng ảnh hưởng đến khả năng thu mua nguyên liệu trong nước, gây áp lực dây chuyền lên cả nông dân và nhà máy chế biến.
Trước tình hình này, VPSA đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng thời sửa đổi Thông tư 12/2025/TT-BNNMT theo hướng kế thừa các quy định cũ, tạo thuận lợi cho quá trình cấp giấy chứng nhận. Hiệp hội cũng kiến nghị tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp tỉnh và doanh nghiệp để nắm rõ quy trình, biểu mẫu và ngôn ngữ sử dụng trong chứng thư an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế.
Trước đó, cũng liên quan tình trạng ách tắc thủ tục xuất khẩu nông sản, ngày 16-7, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng tải bài phản ánh hàng trăm tấn thanh long chưa thể xuất khẩu sang EU do vướng chứng thư an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chính là do việc phân cấp cho địa phương thực hiện nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là về biểu mẫu và ngôn ngữ.
Ngày 17-7, trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, đã nhận được văn bản kiến nghị của VPSA. Hiện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang rà soát để sớm hoàn thiện quy trình, phân vai rõ ràng giữa các cơ quan, đảm bảo việc cấp giấy đúng quy định và kịp thời cho doanh nghiệp.