Phát triển du lịch đường sông TPHCM - Triển khai ngay, không bàn nữa

Nhiều giải pháp, hiến kế tâm huyết được đưa ra tại Hội thảo “Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TPHCM” chiều 22-11. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp (DN)…
Phát triển du lịch đường sông TPHCM - Triển khai ngay, không bàn nữa

Nhiều giải pháp, hiến kế tâm huyết được đưa ra tại Hội thảo “Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TPHCM” chiều 22-11. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp (DN)…

Thuyền đưa du khách tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CAO THĂNG

Để dòng sông rực rỡ hơn

Hầu hết các chuyên gia, đại diện DN đều có chung nhận định: sông, kênh TPHCM rất đẹp, hữu tình nhưng… buồn quá, nhất là tham quan dòng sông vào buổi tối. Việc khai thác các tour, tuyến đường sông không hiệu quả do thiếu bến đò đã buộc nhiều đơn vị du lịch lớn phải bán bớt tàu, dẹp tour. 

Thạc sĩ Phan Xuân Anh, chuyên gia nghiên cứu Văn hóa -  Du lịch, cho rằng: Xét về tổng quan, TPHCM mang vẻ đẹp hiện đại, có nhiều nhà cao tầng nhưng lại luôn có gió mát lùa vào một số tuyến đường do có những con đường xương cá với một đầu đường là sông. Chưa kể, phía hạ lưu sông có rừng phòng hộ Cần Giờ tạo cảnh quan rất hữu tình. Với thế mạnh sẵn có này, thành phố đủ sức thu hút bất kỳ du khách nào đến nơi đây. Tuy vậy, thành phố thiếu nhiều sinh hoạt về đêm. Nhiều tuyến đường sông, thiếu bóng đèn chiếu sáng, chưa có các sản phẩm du lịch nổi bật “ôm” hai bên bờ sông, rác thải gây ô nhiễm tại một số dòng kênh, chưa có bến đỗ cho các du thuyền lớn…

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, hiện nay việc phát triển du lịch đường sông đang gặp nhiều khó khăn, liên quan đến vấn đề quy hoạch, độ tĩnh không của các cây cầu; tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường… Để “hồi sinh” các tour, tuyến du lịch đường sông, ông Vũ khẳng định sẽ không di dời bến đỗ ra Bà Rịa - Vũng Tàu, mà giữ lại cho thành phố; đồng thời Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở ngành xây dựng các điểm dừng đón, quy hoạch sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng khuyến khích các nhà đầu tư, DN tăng cường xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, mở thêm các điểm tham quan nhà vườn ven sông trong các tour, tuyến… Mục tiêu tập trung thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo cơ hội đột phá, bổ sung thêm nhiều lựa chọn cho du khách.

“Triển khai ngay, không bàn nữa”

Về phát triển du lịch đường sông của thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Du lịch “triển khai ngay, không bàn nữa”. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, định hướng phát triển của thành phố xác định ngành du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tuy vậy, để làm được điều này, ngành du lịch còn nhiều việc phải làm, như: đa dạng hóa dịch vụ để thu hút du khách đến với thành phố, để du khách từng đặt chân đến thành phố sẽ quay lại, chi tiêu nhiều hơn. Đây cũng là bài toán đặt ra cho lãnh đạo thành phố và các công ty du lịch. Việc triển khai du lịch đường sông là một trong những nỗ lực để phát triển kinh tế du lịch của thành phố. “Sở Du lịch cần làm ngay, đừng ngại thiếu kinh phí mà chần chừ. Vừa triển khai làm, vừa rút kinh nghiệm. Cần lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các DN. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với nhiều sở ngành. Muốn phát triển du lịch đường sông cần phải có quy hoạch du lịch đường sông. Trong quá trình thực hiện, các sở ngành cần có tầm nhìn, tính toán kỹ lưỡng, nhất quán trong chỉ đạo. Cần tính toán phát triển du lịch gắn với tính cách, con người Nam bộ, bởi đây là yếu tố tinh tế, người làm du lịch phải lưu ý”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo chiều 22-11. Ảnh: THI HỒNG

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, vẻ đẹp của đường sông Sài Gòn đã được khẳng định từ lâu, không cần nói thêm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm sao để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để khơi thông du lịch đường sông, cách tốt nhất là xã hội hóa. Thành phố quy hoạch và DN là đơn vị thực hiện. Tuy vậy, cơ chế đưa ra phải trong sáng, sòng phẳng và minh bạch. Thêm nữa, việc xây dựng cầu tàu, bến đỗ cho các du thuyền để từ đó làm điểm nhấn, tạo vẻ sang trọng cho thành phố cũng cần được tiến hành sớm thông qua việc thuê các đội ngũ tư vấn, chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm…

Nâng độ tĩnh không cầu Bình Lợi

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông tin, sắp tới ngành giao thông sẽ nâng độ tĩnh không cầu Bình Lợi lên khoảng 7m, thay vì chỉ 1,8m như hiện nay khiến các tàu qua lại rất khó khăn. Trong năm 2015 có khoảng 11 cảng đường thủy nội địa với vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng đầu tư đã có, nhưng chưa khai thác được hết đối với ngành du lịch. Ngoài ra, Sở cũng có kiến nghị giữ lại 1.800m cầu cảng để khai thác du lịch, vận tải đường sông…

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục