Sáng 30-8, tại huyện đảo Lý Sơn đã diễn ra Hội thảo “Phát triển du lịch Lý Sơn” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, du lịch; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ban quản lý các khu bảo tồn…
Hội thảo được chia làm 2 phiên làm việc với hơn 30 báo cáo chuyên đề trình bày các kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát triển huyện đảo Lý Sơn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các sở, ngành về du lịch đảo Lý Sơn.
Báo cáo thực trạng du lịch huyện đảo Lý Sơn, ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng lượt khách du lịch đến Lý Sơn có 210.000 lượt, tăng gần 50% so với năm 2016. Các dịch vụ du lịch huyện đảo ngày càng phát triển, có đến 109 cơ sở dịch vụ lưu trú đang hoạt động, các cơ sở ăn uống tăng về cả số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông Vy, việc khai thác phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và Lý Sơn cần có những giải pháp phát triển du lịch tổng thể.
“Phát triển du lịch sẽ cần bảo đảm tính bền vững, cần phát triển sản phẩm riêng có của Lý Sơn đồng thời bảo tồn di tích, di sản văn hóa. Phát triển du lịch phải mở ra sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Lý Sơn”, ông Vy nhấn mạnh.
Hội thảo đã đề ra các giải pháp phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn phù hợp với quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với định hướng phát triển Khu du lịch sinh thái biển đảo Lý Sơn là sản phẩm đặc trưng làm tiền đề định vị thương hiệu du lịch cho tỉnh Quảng Ngãi. Hội thảo cũng nêu rõ thực trạng phát triển du lịch kéo theo sự xâm hại các cảnh quan, di tích Lý Sơn.
PGS.TSKH Vũ Cao Minh, Viện địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng Lý Sơn có tài nguyện địa chất địa mạo độc đáo và duy nhất như cụm núi lửa từ Thới Lới tới Chùa Hang, các vách đá núi lửa Hang Câu, Chùa Hang, Giếng Tiền. Do vậy, cần xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo độc đáo và kỳ thú về du lịch núi lửa, du lịch biển.
“Trong quy hoạch nên chú ý tới quy định về độ cao và chiều cao công trình, không để lấn át cảnh quan và để tôn chiều cao các miệng, đỉnh núi lửa, các vách đá. Chiều cao các công trình cần nhỏ hơn một tỷ lệ nhất định so với núi lửa thấp nhất trên đảo. Núi lửa Hòn Vung cao 43m thì chiều cao các công trình xây dựng phải thấp hơn tỷ lệ nhất định”, PGS.TSKH Vũ Cao Minh nói.
Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn cần khuyến khích các công trình có kiểu dáng lấy cảm hứng từ núi lửa, biển nằm trong công viên địa chất Lý Sơn. Xây dựng Lý Sơn kỳ thú với các loại hình du lịch như du ngoạn mặt biển vòng quanh đảo, nối đảo Lớn với đảo Bé, trong lòng núi lửa...
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: "Di sản địa chất khi đã bị phá hủy thì không bao giờ phục hồi được. Do vậy, phát triển du lịch cần phải hướng đến bền vững và bảo tồn”
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ VH-TT-DL) nhận định: “Lý Sơn có nhiều giá trị địa chất địa mạo, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa và hoàn toàn xứng đáng trở thành địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách thế giới. Hội thảo đã gợi ra nhiều vấn đề, làm sao để Lý Sơn bảo vệ tài nguyên, giá trị bền vững, lịch sử Tổ Quốc”.
Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh các công trình hạ tầng, giao thông ở trên đảo cần đầu tư thận trọng, kể cả các cơ sở vật chất kỹ thuật. Quảng Ngãi cần có quy hoạch du lịch Lý Sơn, cần quy hoạch thành công viên địa chất toàn cầu, giữ giá trị văn hóa.
"Với mật độ dân số đông khoảng 22.000 người, trọng tâm phát triển du lịch sẽ chú trọng du lịch cộng đồng. Không nhất thiết phải có các dự án công trình lớn vì quỹ đất rất hạn chế. Đối với phát triển các sản phẩm du lịch, cần có các sản phẩm tái hiện miệng núi lửa", ông Tuấn nói.