(SGGP).- Đây là thông tin được GS-TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương (Bộ Y tế) cho biết, khi mà số người già tại Việt Nam đang có sự gia tăng nhanh chóng.
Trước mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh ở nước ta, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện, chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mãn tính. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi, trong đó trước mắt là tăng cường trang thiết bị, nhân lực, xây dựng cơ sở 2 cho Bệnh viện Lão khoa trung ương. Tăng cường đào tạo chuyên ngành về lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế để có thể đa dạng hóa các dịch vụ về hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Từng bước thành lập khoa lão tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố, đồng thời thí điểm thành bệnh viện ban ngày cho người cao tuổi tại một số địa phương. Đặc biệt, sau năm 2020 sẽ xây dựng Bệnh viện Lão khoa tại TPHCM và Đà Nẵng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Hiện nay, cả nước có trên 21 triệu người có độ tuổi từ 60 trở lên. Đặc biệt, tỷ lệ người trên 80 tuổi ở nước ta cũng đang tăng nhanh và chiếm 4,16% dân số. Hơn nữa, bệnh tật ở người cao tuổi đang có xu hướng chuyển từ những bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và mạn tính, nhiều bệnh nặng ngày càng phổ biến như ung thư, tim mạch, trầm cảm... khiến chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Hiện nay, chi phí chăm sóc, điều trị cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ và người cao tuổi cũng là đối tượng chịu nhiều rủi ro hơn.
KHÁNH NGUYỄN