Phát triển hợp tác xã nông sản công nghệ cao

Từ một hợp tác xã (HTX) hoạt động vừa và nhỏ, sau nhiều năm đã vươn lên phát triển vững mạnh. Song song đó, HTX còn hướng đến vươn ra thị trường các tỉnh lân cận, thậm chí nuôi dưỡng ước mơ xuất khẩu ra nước ngoài.
Các HTX đầu tư nâng cấp nhà sơ chế hiện đại nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Ảnh: CAO THĂNG
Các HTX đầu tư nâng cấp nhà sơ chế hiện đại nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Ảnh: CAO THĂNG
Tăng thu nhập
Từ năm 2011, chỉ có 12 thành viên nhưng sau nhiều năm hoạt động, HTX NN - TM - DV Phú Lộc (sản xuất rau) hiện tại đã có 36 thành viên. Với số vốn góp ban đầu 600 triệu đồng, đến năm 2016, HTX nâng mức vốn lên hơn 6 tỷ đồng. Để có được số vốn trên, HTX đã có chính sách góp vốn tiết kiệm từ chính sản phẩm do thành viên sản xuất ra và tích góp lại hàng năm. Nhờ vậy, HTX đã đầu tư được 12 xe tải vận chuyển và 1 ô tô chuyên dùng với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng. 
Hiện nay, HTX có 5 vùng sản xuất trọng điểm tại huyện Củ Chi, Bình Chánh (TPHCM) và các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An nhằm đảm bảo cung ứng sản lượng. HTX đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà xưởng sơ chế và đóng gói tại huyện Củ Chi diện tích 500m2, Bình Chánh 1.100m2 với đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong 4 năm qua, HTX tham gia chương trình bình ổn giá do Sở Công thương TPHCM tổ chức, với số lượng trung bình 400 tấn/tháng, dịp tết 450 tấn/tháng. Ngoài ra, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX còn cung cấp cho nhiều chợ truyền thống (Bến Thành, Văn Thánh, Thị Nghè…) và bếp ăn công nghiệp tập thể, nhà trẻ, nhà hàng với 5.000kg/ngày... Tính tới tháng 6-2018, tổng diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP là 68ha của 176 hộ sản xuất, với sản lượng 12 - 15 tấn/ngày.
Tương tự, HTX NN - SX - TM và DV Phước An khởi đầu chỉ có 15 thành viên với số vốn 70 triệu đồng. Đến nay, HTX tăng vốn điều lệ lên 1,8 tỷ đồng với 62 thành viên, diện tích đất sản xuất 29ha, sản lượng tiêu thụ 1.477 tấn/năm rau củ quả. Doanh thu năm 2017 đạt 22,315 tỷ đồng, chia lãi cho thành viên 519 triệu đồng, trích lập quỹ 269 triệu đồng. HTX phát triển là nhờ có sự tương trợ lẫn nhau và đảm bảo lợi ích của thành viên, thông qua việc tổ chức tốt 4 khâu: bán vật tư sản xuất nông nghiệp cho thành viên với giá hợp lý, tiện lợi và đảm bảo chất lượng; chủ động mở rộng đối tác tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất khoa học, quản lý kinh doanh hiệu quả theo tiêu chí chất lượng an toàn thực phẩm; tạo điều kiện cho thành viên vay vốn sản xuất theo hình thức ứng tiền trước, bán sản phẩm sau và hỗ trợ áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cho thành viên.
Hướng đến xuất khẩu
Giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể theo mô hình HTX kiểu mới, tổ chức lớn mạnh có quy mô, đồng thời cùng xây dựng nông thôn mới, từ đó nhiều HTX đang có bước chuyển đổi nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, HTX Phú Lộc đang tìm kiếm các loại giống rau mới, có giá trị kinh tế cao để sản xuất đa dạng hơn các sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Kế hoạch sắp tới, HTX phát triển rau mầm các loại với số lượng 500kg/ngày và liên kết sản xuất rau thủy canh trên diện tích 3.500m2. Đồng thời, chủ yếu lựa chọn kênh phân phối hiện đại để tăng số lượng; đặc biệt, nâng cao chất lượng sản phẩm rau củ quả có thể để qua nhiều ngày, thay vì ngắn ngày như hiện nay. Để làm được điều này, HTX mở rộng thị trường trong nước bằng cách tạo dựng nhiều điểm bán hàng ổn định giá trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận, bán hàng điện tử qua trang phulocagain.com, cũng như tìm hướng xuất khẩu trực tiếp rau củ quả. 
Theo HTX NN - SX - TM và DV Phước An, hướng sắp tới đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Bước đầu làm nhà màng để triển khai một số nhà lưới trồng rau hữu cơ với diện tích 10.000m2 và đang phân bổ diện tích 1.000m2/hộ dân để thực hiện thí điểm. Hiện nay, HTX đã đưa nhiều mẫu rau (như ngò gai, tía tô…) qua Australia để kiểm tra, hướng đến xuất khẩu, nhất là ưu tiên sản phẩm hữu cơ.
Năm 2018, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch “Phát triển kinh tế tập thể TPHCM” nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mới số lượng HTX trên địa bàn. Cụ thể, giao Sở NN- PTNT, Sở Công thương và Liên minh HTX TPHCM phát triển các HTX nông nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên, hộ gia đình. Tổ chức hội nghị tổng kết tình hình hoạt động và phát triển HTX nhằm chuyển đổi, thực trạng hoạt động. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các HTX phát triển. Ưu tiên các HTX tham gia và thụ hưởng từ các chương trình phát triển nông nghiệp của TPHCM, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Tin cùng chuyên mục