Phát triển kênh phân phối điện tử

Ông Phạm Anh Dũng, Tổng Giám đốc SCB:Còn nhiều độ vênh
Phát triển kênh phân phối điện tử

Phát triển kênh phân phối điện tử đang là xu hướng tất yếu trong hoạt động bán lẻ của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đến nay các NHTM  vẫn chưa khai thác hiệu quả kênh phân phối này.

Phát triển kênh phân phối điện tử ảnh 1

Sử dụng thẻ thanh toán tạo nhiều sự tiện ích cho khách hàng. Ảnh: Anh Thư

Các NHTM ở nước ta đã có bước phát triển mới trong việc ứng dụng các kênh phân phối từ dịch vụ ngân hàng điện tử (NHĐT). Đến nay, số lượng ngân hàng cung cấp  dịch vụ NHĐT tăng mạnh. Năm 2005 chỉ có 15 ngân hàng ứng dụng dịch vụ NHĐT, đến nay đã có 22 ngân hàng  thực hiện, trong đó các dịch vụ như thẻ ATM, phone banking, Mobile baking, i-banking ngày càng phát triển và đang được người dân chấp nhận.  

Tuy nhiên, nhìn chung các kênh phân phối ngân hàng bán lẻ của các NHTM không đa dạng, hiệu quả thấp, phương thức giao dịch và cung cấp các dịch chủ yếu vẫn là “tập trung và tiếp xúc trực tiếp qua quầy”. Các hình thức giao dịch từ xa dựa trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin và điện tử chưa phổ biến. Nhiều ngân hàng chỉ mới ứng dụng thử nghiệm chủ yếu phục vụ tra cứu thông tin, còn những dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch thanh toán thương mại điện tử, chuyển khoản tại website ngân hàng hay việc thanh toán sử dụng tài khoản ngân hàng qua điện thoại di động còn rất hạn chế.

Thẻ ATM đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam hơn 5 năm qua và có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng. Đến quý III-2007 đã có gần 6 triệu thẻ được mở tại các NHTM, trong đó xấp xỉ 94% là thẻ nội địa và 6% là thẻ quốc tế. Toàn quốc hiện có gần 5.000 máy ATM và hơn 12.000 điểm chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt. Nhưng trong suốt thời gian qua, thẻ ATM tồn tại với chức năng chủ yếu chỉ để rút tiền. Các dịch vụ NHĐT khác như i-banking, SMS banking mới ở mức truy cập thông tin, còn chức năng thanh toán thì chưa triển khai rộng rãi, số lượng khách hàng sử dụng hạn chế. Tại Vietcombank, dịch vụ i-banking đến nay mới đạt khoảng 100.000 khách hàng sử dụng, dịch vụ SMS banking chỉ hơn 45.000 khách hàng sử dụng trên tổng số hơn 1 triệu khách hàng cá nhân giao dịch với ngân hàng.  

Hiện nay, các chi nhánh, phòng giao dịch vẫn là kênh phân phối chủ yếu của các ngân hàng, nhưng chi phí hoạt động của các chi nhánh ngày càng tăng như trả lương cho nhân viên, thuê trụ sở… Vì vậy, bên cạnh việc duy trì và mở rộng các kênh phân phối truyền thống, các ngân hàng nên đầu tư ứng dụng công nghệ tại các kênh phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi nơi, mọi lúc của khách hàng. Cụ thể, các ngân hàng cần sớm hoàn thiện việc kết nối ATM, tạo ra những “kios banking” để khách hàng sử dụng thẻ của một ngân hàng cũng có thể rút tiền tại bất cứ ngân hàng nào khác. Bên cạnh đó, một kênh phân phối khác phù hợp với xu thế bùng nổ các thuê bao di động hiện nay mà các ngân hàng cần tập trung khai thác, là kênh phân phối qua điện thoại (telephone banking). Kênh phân phối này đang rất phổ biến ở các nước phát triển do những tiện ích mà nó mang lại cho khách hàng.

Với các doanh nghiệp có khoản thanh toán dịch vụ lớn, thường xuyên và ổn định như bưu điện, hàng không, điện lực, cấp nước, bảo hiểm, hải quan, xăng dầu…, việc ứng dụng các dịch vụ NHĐT càng tỏ ra cấp bách hơn. Thực tế cho thấy, đa dạng hóa và quản lý các kênh phân phối một cách hữu hiệu nhằm phát huy hiệu quả của từng kênh trong hệ thống, là một trong những yếu tố dẫn tới thành công của ngân hàng bán lẻ. Đó cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa người chiến thắng và kẻ thất bại trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong tương lai.

Th.S Vũ Ngọc Dung
Sở Giao dịch Vietcombank

 Ông Phạm Anh Dũng, Tổng Giám đốc SCB:
Còn nhiều độ vênh

Theo quy chế phát hành thẻ ghi nợ, khách hàng có tài khoản thanh toán tại ngân hàng không áp dụng cho khách hàng có tài khoản tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Điều này đã hạn chế trong việc cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng. NHNN nên điều chỉnh theo hướng cho phép phát hành thẻ ghi nợ khi khách hàng có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Việc theo dõi các khoản gửi tiền, rút tiền, tính lãi tiền gửi… nên do ngân hàng phát hành thẻ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý rủi ro. Hiện nay, điều kiện sử dụng thẻ đối với chủ thẻ chính phải có hành vi năng lực đầy đủ theo quy định của pháp luật (từ 18 tuổi trở lên). Trong khi đó, theo quy định về tiền gửi tiết kiệm, thì khách hàng từ 15 tuổi trở lên có thể mở tài khoản tiết kiệm. Nhưng những khách hàng từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có tài khoản tại ngân hàng muốn được cấp thẻ thì không được ngân hàng giải quyết.

NHNN nên điều chỉnh giảm độ tuổi phát hành thẻ chính xuống 15 tuổi. Đối với chủ thẻ phụ, đề nghị xem xét giảm độ tuổi thấp nhất cho người chưa thành niên, nếu có người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ chấp thuận về việc sử dụng thẻ. Về việc phát triển dịch vụ thanh toán điện tử, hầu hết đều phải thuê qua mạng viễn thông của Bộ Bưu chính - Viễn thông với chi phí quá cao. Đây là một hạn chế vì tốc độ đường truyền mạng thường xuyên bị quá tải, chậm. NHNN nên nghiên cứu phát triển mạng viễn thông riêng cho hệ thống ngân hàng với đóng góp kinh phí của các NHTM.

Ông Ronald Logan,Ngân hàng HSBC tại Việt Nam:
Đẩy mạnh giao dịch điện tử

Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam có khoảng 8 triệu người (dưới 10% dân số) mở tài khoản ở ngân hàng. Việt Nam cũng đang là nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất Đông Nam Á với 14,1% dân số sử dụng. Trong xu hướng xã hội hóa điện tử mọi hoạt động thương mại, các NHTM Việt Nam có thể tận dụng để thu hút thêm nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân ngày càng đòi hỏi cao hơn, buộc các giao dịch ngân hàng phải đáp ứng nhanh chóng, tiện lợi, linh hoạt nhưng phải bảo đảm an toàn bảo mật, hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra.

Vì vậy hệ thống ngân hàng phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT triệt để hơn trong mọi hoạt động, phải giúp khách hàng có thể quản lý tài khoản, thực hiện giao dịch đầy đủ các dịch vụ ngân hàng ở mọi lúc, mọi nơi thông qua môi trường Internet tiện lợi như: mở tài khoản, cập nhật thông tin cá nhân của chủ tài khoản, đổi mã thẻ trực tuyến, thanh toán trực tiếp với khách hàng bất chấp khoảng cách về địa lý…

M.Thảo – Q.Trọng (ghi)

Tin cùng chuyên mục