Phát triển không bền vững về con người: Thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 và giải pháp của Việt Nam

Phát triển không bền vững về con người: Thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 và giải pháp của Việt Nam

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-1-940.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-1-7861.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-1-1-7697.jpg

Hàng ngàn năm loài người khai thác môi trường thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Từ hơn 250 năm nay, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1, rồi thứ 2, 3 và thứ 4, loài người vừa khai thác, vừa hủy hoại môi trường tự nhiên. Điều này gây ra hậu quả bất lợi ngày càng tăng với chính con người. Vì vậy, từ những năm 70 của thế kỷ 20, khái niệm và ý thức bảo vệ môi trường ra đời trước hết ở châu Âu và Mỹ. Mặc dù, hầu hết các nước đều có luật về bảo vệ môi trường, LHQ có các hội nghị, chương trình, công ước về môi trường (1972 ở Thụy Điển, 1992 ở Brazil, năm 2000 xác định 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, 2012 Hội nghị phát triển bền vững ở Brazil,...), song việc bảo vệ môi trường, như một tiền đề để phát triển bền vững, vẫn còn nhiều hạn chế ở các châu lục, quốc gia. Một sự kiện có ý nghĩa đột phá mở đầu cho một giai đoạn mới về bảo vệ môi trường là ngày 1-7-2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Luật Phục hồi tự nhiên (The Nature Restoration Law) có hiệu lực từ 2023-2050. Tức là phải mất 50 năm từ khi bắt đầu nhận thức việc bảo vệ môi trường là cần thiết, loài người mới bắt đầu nhận ra: Không chỉ bảo vệ môi trường, không được tiếp tục hủy hoại môi trường tự nhiên, mà phải phục hồi lại tự nhiên đã bị con người làm mất đi.

Điều này có nghĩa là phát triển kinh tế xã hội phải bền vững về môi trường. 27 nước EU đã có quyết định tiên phong này, song mới chỉ là bộ phận rất thiểu số của thế giới. Dân số 27 nước EU là 448 triệu (2022), chỉ chiếm 5,6% dân số thế giới, diện tích là 4 triệu km2, bằng 2,68% diện tích đất của thế giới. Các nước đại diện cho hơn 94% dân số nhân loại chưa quan tâm đến phục hồi thiên nhiên.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-1-2-4085.jpg

Sau khi khái niệm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững về môi trường ra đời, các nước dần nhận ra không thể khai thác và sử dụng khoáng sản với tốc độ, cách thức như thời gian qua, vì đây là các tài nguyên có hạn và quy mô dân số hiện nay, năm 2022 đã gấp 8 lần dân số thế giới cách đây hơn 200 năm (dân số năm 1804 là 1 tỉ người).

Các giải pháp đã được đề xuất và thực hiện là tái chế (được đề cập nhiều trong giai đoạn 1969 - 1996), sản xuất không phế thải và kinh tế tuần hoàn (khái niệm được đề xuất năm 1988), chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân. Có thể coi đây là quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững về khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Tức là phát triển kinh tế xã hội phải bền vững về khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Với chương trình hành động về kinh tế tuần hoàn, năm 2015, Liên minh châu Âu là các quốc gia tiên phong về kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo Quỹ kinh tế tuần hoàn, số quốc gia có một chiến lược kinh tế tuần hoàn hoặc chương trình hành động dài hạn về kinh tế tuần hoàn chỉ chiếm 9% các nước trên thế giới.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-1-3-9146.jpg

Trong quá trình tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của các dân tộc, văn hóa dân tộc luôn là sức mạnh nội sinh hết sức quan trọng để chống chọi với thách thức của thiên tai và ngoại xâm. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa hoạt động kinh tế, sử dụng Internet và các dịch vụ mạng toàn cầu, sự tồn tại của tư tưởng nước lớn đã làm xói mòn các giá trị và truyền thống văn hóa ở các nước với các mức độ khác nhau. Vì vậy hầu hết các nước đã đặt ra yêu cầu phải bảo tồn và phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Tức là phát triển kinh tế xã hội phải trên nền tảng bền vững về văn hóa. Tuy nhiên sự đồng thuận của các nước ở Liên hợp quốc về bền vững văn hóa còn hạn chế. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đã công bố cho giai đoạn 2015-2030 không có mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-1-4-3118.jpg

Theo quy luật tự nhiên, tỉ lệ trẻ nam và nữ mới sinh trong một chu kì thời gian (1 năm) ở một cộng đồng dân cư (dân tộc, đất nước) là khoảng 51% nam, 49% nữ (104-106 trai/100 gái). Do khả năng sinh tồn của các bé trai yếu hơn, nên một số mất trước khi trưởng thành. Kết quả là ở tuổi 18 trở lên, cùng năm sinh có số nam và nữ gần bằng nhau (tỉ lệ 50% nam và 50% nữ). Số con bình quân mà một phụ nữ của đất nước sinh ra trong đời khi họ kết hôn (hoặc ở với nhau như vợ chồng) được gọi là Tổng tỉ suất sinh (TTSS). Nếu người phụ nữ sinh bình quân trong độ tuổi sinh con được 2,1 con, thì khi các cháu trưởng thành sẽ có 2 người con sống khỏe mạnh (bình quân trong 2,1 cháu được sinh ra, có 0,1 cháu mất trước tuổi trưởng thành). Tức là 2 người con này sẽ thay cha mẹ của chúng tiếp tục lao động khi cha mẹ không còn khả năng lao động và khi cha mẹ chết sẽ có 2 người con này thay thế, làm cho dân số ổn định. Vì vậy mức sinh bình quân toàn xã hội 2,1 con/phụ nữ được gọi là TTSS thay thế.

Nếu TTSS lớn hơn 2,1 thì số lao động xã hội sẽ tăng lên và dân số sẽ tăng lên. Còn nếu TTSS dưới 2,1 kéo dài thì số lao động trong xã hội sẽ giảm và sau một thời gian dân số cũng giảm (không tính người nhập cư làm tăng dân số). Tức là lúc này, đất nước không có khả năng tái tạo đầy đủ con người của mình. Sự phát triển đất nước là không bền vững về con người.

Với một đất nước, nếu TTSS thấp dưới TTTS thay thế kéo dài và duy trì ở mức thấp nhiều năm sẽ gây ra suy giảm số người trong tuổi lao động, thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây ra trì trệ tăng trưởng và thu ngân sách.

Nhật Bản là điển hình có TTSS thấp dưới TTSS thay thế đến nay đã 50 năm (từ 1974). Năm 2000 TTSS = 1,36 và năm 2022 TTSS = 1,26. Các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước Nhật Bản và các nhà khoa học nước ngoài đã cảnh báo là nếu không có các thay đổi chính sách mạnh mẽ, thì dù giai đoạn 1975-1995 là nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, GDP/người năm 1995 là 44.200 USD, gấp 1,5 lần của Mỹ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, dân số 2010 là 128 triệu, đứng thứ 11 thế giới, sẽ dẫn tới hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Viện quốc gia về Dân số và An ninh Xã hội Nhật Bản năm 2006 đã dự báo: đến năm 2100, dân số Nhật Bản chỉ còn 50 triệu người, năm 2200 còn 10 triệu người, năm 2350 còn 1 triệu người và đến năm 3000 chỉ còn 62 người. Từ năm 1990, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, song không đem lại kết quả mong muốn (đưa TTSS lên mức 1,8). Tức là quá trình tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Nhật Bản lại đi kèm với suy thoái lao động và dân số (giảm số lượng lao động và giảm dân số liên tục hàng chục năm mà không thấy khả năng phục hồi). Mặc dù là một đất nước có nguồn lực kinh tế rất lớn (là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, thu nhập đầu người rất cao), có nguồn lực con người lớn (dân số 128 triệu người, đứng thứ 11 thế giới), song 50 năm qua Nhật Bản lại phát triển không bền vững về con người và có thể tự tiêu vong như họ đã dự báo.

Từ năm 1984, TTSS của Hàn Quốc đã thấp dưới 2,1; năm 2000, TTSS là 1,48 và năm 2022 có TTSS là 0,78, thấp nhất thế giới. Năm 2014, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc đã dự báo, nếu TTSS 1,19 tiếp tục duy trì thì nước này sẽ tiệt chủng vào năm 2750.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: Trong 42 nước thu nhập cao trên thế giới có dân số từ 1 triệu người trở lên, có tới 39 nước (khoảng 93%) có TTSS thấp dưới TTSS thay thế, trong đó có 31/42 nước (gần 74%) TTSS thấp đã kéo dài từ 30 năm trở lên. Cụ thể:

Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 50 năm trở lên (10 nước): Phần Lan (54 năm), Croatia (54 năm), Đức (52 năm), Canada (51 năm), Thụy Sĩ (51 năm), Nhật Bản, Áo, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch (50 năm).

Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 40 năm đến 49 năm (13 nước): Anh (49 năm), Na Uy (48 năm), Ý (46 năm), Pháp (46 năm), Singapore (46 năm), Úc (45 năm), Hungary (43 năm), Slovenia (42 năm), Czech (41 năm), Tây Ban Nha (41 năm), Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp (40 năm).

Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 30 đến 39 năm (8 nước): Bulgaria (36 năm), Estonia (32 năm), Latvia (32 năm), Romania (32 năm), Ba Lan (31 năm), Slovakia (31 năm), Lithuania (31 năm), Thụy Điển (30 năm).

Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 9 năm đến dưới 30 năm (3 nước): Mỹ (15 năm), Iceland (10 năm), New Zealand (9 năm).

Tất cả 31 nước thu nhập cao có TTSS dưới TTSS thay thế từ 30 năm trở lên đều không thể tự tái tạo được đầy đủ lao động và công dân của mình.

Giải pháp căn bản, bên cạnh các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con của chính phủ để bù đắp thiếu hụt lao động, là tiếp nhận người nhập cư. Nếu không có người nhập cư là nguồn lao động và dân số bổ sung thì 74% các nước thu nhập cao hiện nay (31/39 nước) đã trải qua hàng chục năm suy thoái về lao động và dân số. Năm 1970, tất cả các nước trên thế giới đều có TTSS lớn hơn 2,1 và TTSS của thế giới là 4,7. Năm 2000, TTSS của hầu hết các nước đều giảm, TTSS của châu Âu chỉ là 1,43, Bắc Mỹ là 1,97, của thế giới là 2,7. Năm 2020, các nước có TTSS < 2,1 đã chiếm tới 40% dân số thế giới, TTSS thế giới là 2,3. Dự báo năm 2034, TTSS của thế giới là 2,1 và sau đó giảm dần; năm 2100 có TTSS là 1,66. Năm 2064, dân số thế giới đạt đỉnh 9.7 tỉ người và sau đó giảm còn khoảng 8,8 tỉ vào năm 2100. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2.000 năm gần đây của loài người, dân số thế giới giảm kéo dài. Thế kỷ 21 được dự báo là thế kỷ đầu tiên chứng kiến suy thoái dân số loài người (kéo dài 36 năm, 2064 - 2100). Các dự báo về TTSS của các nước và thế giới không tính đến sự thay đổi chính sách của các chính phủ trong việc hỗ trợ lập gia đình và nuôi dạy con.

Nhật Bản là nước thu nhập cao, có TTSS dưới TTSS thay thế từ năm 1974. Sau khoảng 20 năm TTSS giảm liên tục, TTSS tuy có thay đổi hàng năm, song ổn định ở mức thấp, bình quân từ 1995-2022 khoảng 1,366. TTSS năm 2020 là 1,33, dự báo năm 2070 là 1,36 và năm 2100 là 1,32. Từ năm 1995, số người trong tuổi lao động giảm, từ 2010 dân số giảm.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về hiện tượng TTSS ở Nhật Bản thấp bền vững, gây hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng, song đến nay chưa có các kết quả đầy đủ, đồng bộ về nguyên nhân của hiện tượng này làm cơ sở cho chính phủ đưa ra các giải pháp, chương trình khắc phục được tình trạng này. Vì vậy các chương trình của chính phủ khuyến khích kết hôn và sinh con từ hơn 30 năm nay (1990-2023) đã không đem lại kết quả mong muốn (tăng TTSS lên 1,8 và cao hơn).

Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh xã hội Nhật Bản đã dự báo, đến năm 2070, TTSS khoảng 1,36. Như vậy, Nhật Bản sẽ trải qua 100 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974-2070), 75 năm suy thoái lao động (1995-2070), 60 năm suy thoái dân số (2010-2070). Theo dự báo ở (1), Nhật Bản sẽ trải qua 126 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974-2100), 105 năm suy thoái lao động (1995-2100) và 90 năm suy thoái dân số (2010-2100).

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-1-2857.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-1-leg-584.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-2-2153.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-2-leg-8029.jpg

Trong khi Nhật Bản không tiếp nhận người nhập cư như giải pháp chủ yếu để bù đắp thiếu hụt lao động do TTSS dưới 2,1 kéo dài 50 năm (1974-2023) thì Đức cũng là một nước thu nhập cao có TTSS thấp dưới 2,1 kéo dài hơn 50 năm (1971-2023), song bù đắp thiếu hụt lao động bằng người nhập cư hàng năm. Sau khoảng 10 năm TTSS giảm mạnh (1970-1980), từ 1980-2022 TTSS thấp, tương đối ổn định, bình quân khoảng 1,47, dự báo năm 2100 là 1,35.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-3-1974.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-3-leg-4576.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-4-6139.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-4-leg-8314.jpg

Mặc dù cả chính phủ Nhật Bản và Đức đều có các chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em, song đã gần 30 năm ở Nhật Bản và 40 năm ở Đức, TTSS vẫn ổn định ở mức thấp, bình quân dưới 1,5 và tới năm 2100 không thấy khả năng phục hồi trở lại TTSS = 1,5 hoặc TTSS thay thế.

Diễn biến Tổng tỉ suất sinh của các châu lục và thế giới hơn 60 năm qua thể hiện ở BẢNG 1.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-bang-1-6943.jpg

Qua BẢNG 1 ta thấy trước năm 1970, tất cả các châu lục đều có TTSS lớn hơn TTSS thay thế, dân số đều đang tăng như các cánh đồng dân số xanh tươi. Tuy nhiên, 30 năm sau, năm 2000, TTSS của tất cả các châu lục đều giảm, riêng châu Âu là thấp nhất, chỉ còn 1,43. Châu Âu trở thành châu lục đầu tiên không duy trì được khả năng tái tạo đầy đủ con người liên tục từ 1975. Rất nhiều nước riêng lẻ ở châu Âu đã mất khả năng này từ những năm 1970: Đức (1971), Thụy Sỹ (1972), Áo (1973), Hà Lan (1973), Đan Mạch (1973), Bỉ (1973), Anh (1974), Na Uy (1975), Pháp (1977), Ý (1977).

Do lúc này, 4/6 các khu vực khác đều đang có TTSS lớn hơn TTSS thay thế nên châu Âu có thể thu hút người nhập cư từ các lục địa này như châu Á, Nam Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi. Lục địa châu Âu đã thu hút người nhập cư đến năm 2000 là khoảng 30 năm. Tuy nhiên, năm 2000 châu Âu có TTSS = 1,43, rất thấp so với TTSS thay thế 2,1. Tức là hàng triệu người nhập cư từ các nước có TTSS lớn hơn TTSS thay thế, song khi vào làm việc và ở châu Âu, họ không sinh con với TTSS ở các nước gốc của họ, mà theo TTSS của chính châu Âu. Có thể coi châu Âu là “Hố đen dân số” đầu tiên của thế giới: năm 2000, cứ 2 người dân tại đó (1 nam, 1 nữ) hay 2 người nhập cư vào châu Âu ở tuổi kết hôn thì sau 1 thế hệ, bình quân họ chỉ sinh ra 1,43 người con (1 người chỉ có 0,715 người thay thế), sau 2 thế hệ chỉ có 1,022 cháu (1 người chỉ có 0,51 cháu) và đến thế hệ thứ 3 chỉ có 0,73 chắt (1 người chỉ có 0,36 chắt). Tức là châu Âu muốn duy trì lao động và dân số ổn định, phải không ngừng nhập cư, vì TTSS của họ qua nhập cư không tăng được đến mức TTSS thay thế.

Trong khi hầu hết các nước thu nhập cao có TTSS thấp hơn 2,1 và thấp ổn định, kéo dài hơn 30 năm (74%), các nước thu nhập trung bình và thấp có TTSS giảm dần từ 1960. Do đó TTSS toàn cầu giảm dần. Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe, Đại học Washington năm 2020 đã dự báo năm 2034 TTSS toàn cầu sẽ bằng 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 có giá trị khoảng 1,66 (số liệu dự báo 2019 của Cơ quan dân số LHQ là 1,9). Tức là lúc này, sau năm 2034, cả thế giới sẽ là một hố đen về dân số. Thực tế là ngoài châu Âu từ 1975 đã là hố đen về dân số, các châu lục khác như Bắc Mỹ (2010), Nam Mỹ, châu Á và châu Đại Dương, đều lần lượt trở thành các hố đen dân số trước 2034. Riêng châu Phi, năm 2063 có TTSS = 2,1 và sau đó tiếp tục giảm, là hố đen dân số cuối cùng trong các châu lục. Như vậy trước 2034, các nước thu nhập cao, thiếu lao động kéo dài có thể bù đắp qua lao động nhập cư từ các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp, đặc biệt từ châu Phi.

Song sau năm 2034 (chỉ còn 11 năm nữa), việc này sẽ ngày càng khó khăn và từ 2055 là không khả thi, vì lúc này TTSS toàn cầu đã dưới TTSS thay thế 20 năm, sẽ suy thoái lao động toàn cầu và châu Phi từ 2064 là hố đen dân số. Như vậy 50 năm qua, 1970 - 2020, nhân loại đã phát triển theo xu hướng: TTSS bình quân toàn cầu giảm từ 4,7 xuống 2,3. Trên thế giới từ thừa lao động thành thiếu lao động cục bộ ở hơn 90% các nước thu nhập cao. Các nước thiếu lao động hầu hết tiếp nhận lao động nhập cư để bù đắp thiếu lao động (trừ Nhật Bản và Hàn Quốc).

Dự báo trong 14 năm tiếp theo (2020 - 2034): TTSS toàn cầu sẽ giảm từ 2,3 xuống 2,1. Việc thiếu lao động ở các nước thu nhập cao và một số nước thu nhập trung bình tiếp tục gia tăng. Các nước thiếu lao động hầu hết bù đắp qua lao động nhập cư, giữ được dân số tương đối ổn định. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giảm dân số, nếu không thu hút được đủ người nhập cư để bù đắp.

Dự báo 66 năm tiếp theo 2034 - 2100: TTSS toàn cầu giảm từ 2,1 xuống 1,66 (HÌNH 1). Thế giới là hố đen dân số sau 2034. TTSS của tất cả các châu lục đều dưới 2,1 vào năm 2064 và giảm dần sau đó. Châu Phi là lục địa cung cấp nhân lực nhập cư chủ yếu cho toàn thế giới, trở thành hố đen dân số sau 2064. Suy thoái lao động toàn cầu từ sau 2055 (45 năm). Việc bù đắp thiếu lao động ở tất cả các nước có TTSS dưới 2,1 là không khả thi sau 2055. Dân số thế giới đạt đỉnh 9,7 tỉ vào năm 2064, sau đó sẽ giảm còn khoảng 8,8 tỉ năm 2100 (suy thoái dân số toàn cầu 36 năm) và dân số hầu hết các nước thu nhập cao sẽ giảm sau 2064.

Nếu trong giai đoạn 70 năm sau của thế kỉ 21 (2030-2100), các nước trên thế giới không hiệp lực nghiên cứu để tìm ra giải pháp khắc phục được xu hướng phát triển khi chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, TTSS của đại đa số các nước đều giảm xuống dưới 2,1 và sau đó duy trì một cách bền vững ở mức thấp, thì điều này sẽ dẫn đến kết quả dự báo là sau 2034 toàn thế giới sẽ có TTSS < 2,1, sau 2055 sẽ suy thoái lao động toàn cầu và sau năm 2064 suy thoái dân số toàn cầu. Việc dự báo TTSS và dân số các nước từ 2020 đến 2100 là khó khăn, vì không dự báo được chính sách dân số và nhập cư của các nước. Vì vậy, kết quả dự báo của các tổ chức có khác nhau (thời điểm TTSS toàn cầu bằng 2,1, thời điểm dân số thế giới đạt đỉnh, TTSS và dân số năm 2100). Dù các mốc thời gian dự báo có thể chênh nhau khoảng 10 năm, song điều này không ảnh hưởng đến bản chất sự diễn biến TTSS và dân số của thế giới. Loài người đang phát triển kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số, không phát triển bền vững về con người.

ds-the-gioi-7649.jpg

Trong chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của LHQ (2015-2030) có 17 nhóm mục tiêu bao gồm 169 chỉ tiêu, 3.840 sự kiện. Tuy nhiên, các khái niệm sau không xuất hiện, không được nhắc tới: Hạnh phúc của con người và gia đình hạnh phúc; Phát triển bền vững về văn hóa; TTSS, TTSS thay thế và phát triển bền vững về con người.

Liên hợp quốc chưa đưa ra cảnh báo, với mô hình “Tăng trưởng kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số”, loài người đang phát triển không bền vững về con người. Sau năm 2034, cả thế giới là hố đen dân số, năm 2100 TTSS = 1,66, trong khi thực tiễn ở Nhật bản và hơn 90% các nước thu nhập cao đã là cảnh báo rất rõ ràng. Đây là một hạn chế lớn, bất cập về nhận thức ở mức toàn cầu trước thực tế phát triển không bền vững về con người đã diễn ra từ hơn 50 năm nay và dự báo sẽ tiếp tục cho đến 2100 và sau đó. Trong khi đó, một số nhà khoa học đã dự báo sự thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của thế giới vào năm 2100 và kéo theo thay đổi sức mạnh địa chính trị do sự thay đổi dân số ở các châu lục. August Hooke và Lauren Ahati dự báo tỉ trọng GDP của các châu lục năm 2100 và so sánh với năm 2020. Theo đó, chỉ sau 80 năm của thế kỷ này, sức mạnh kinh tế của các lục địa sẽ thay đổi về chất. Châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương từ chỗ chiếm 48% GDP toàn cầu sẽ chỉ còn đóng góp hơn 17%. Châu Phi từ đóng góp 5% GDP toàn cầu sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, chiếm gần 39%, hơn 2 lần đóng góp của châu Mỹ và châu Âu. Châu Á và châu Phi sẽ đóng góp gần 83% kinh tế thế giới vào năm 2100 và vì vậy sẽ là các lực lượng chi phối mạnh mẽ chính trị thế giới.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-bang-2-4716.jpg

Loài người đã phải trải qua 50 năm từ khi nhận ra phải bảo vệ môi trường, thay vì tiếp tục hủy hoại môi trường bởi các hoạt động kinh tế và tiêu dùng của mình, mới đi đến nhận thức sâu sắc hơn bảo vệ môi trường ở 27 nước EU: phải phục hồi tự nhiên bằng Luật phục hồi tự nhiên được Nghị viện châu Âu thông qua 1-7-2023. Cũng 50 năm đã trôi qua, hầu hết các nước thành viên EU và hơn 90% các nước thu nhập cao không tái tạo được đầy đủ con người trên lãnh thổ của mình mà phải bù đắp bằng người nhập cư. Không có hàng chục triệu người nhập cư vào các nước EU và Bắc Mỹ trong 50 năm qua thì không có một EU và Bắc Mỹ ổn định, phát triển như hôm nay. Song 32 năm nữa, năm 2055, việc nhập cư như vậy là không khả thi vì toàn thế giới là hố đen dân số sau 2034 và suy thoái lao động toàn cầu từ 2055.

Có lẽ phải mất khoảng 10 năm nữa, việc phát triển bền vững về con người như trụ cột thứ 4 của phát triển bền vững mới được đưa vào chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-2-6804.jpg

Phát triển con người bền vững bao gồm: lao động và dân số bền vững, nâng cao sức khỏe và tầm vóc, nuôi dưỡng và phát huy văn hóa dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và năng lực nghề nghiệp, công dân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc. Ở đây, chúng ta tạm thời tập trung vào lao động và dân số bền vững. Diễn biến TTSS ở Việt Nam giai đoạn 1960-2010 phù hợp với chương trình kế hoạch hoá gia đình quốc gia, nhằm giảm tỉ lệ sinh ở Việt Nam, tuy nhiên từ năm 2016 giữ vững TTSS thay thế đã trở thành mục tiêu mới của chính sách dân số Việt Nam.

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có Nghị quyết của Đảng cầm quyền về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Trung ương Đảng) và Chiến lược phát triển dân số đến 2030 của chính phủ (2019) với mục tiêu đảm bảo vững chắc TTSS thay thế, song kết quả thực hiện Nghị quyết và chiến lược này đến nay rất đáng lo ngại. Mặc dù Nghị quyết 21 - NQ/TW ngày 15-10-2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định một giải pháp căn bản để đảm bảo vững chắc TTSS thay thế ở Việt Nam là các địa phương có TTSS trên TTSS thay thế thì phải giảm TTSS, các địa phương có TTSS dưới TTSS thay thế thì phải tăng được TTSS, còn các địa phương có TTSS bằng TTSS thay thế thì phải ổn định TTSS, song thực tế đang diễn ra ngược lại. Đó là 3 vùng Trung du - miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung có TTSS bằng hoặc trên TTSS thay thế thì lại tiếp tục tăng TTSS. Hai vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có TTSS dưới TTSS thay thế lại tiếp tục giảm TTSS. Trong 19 tỉnh, thành phố của Đông và Tây Nam bộ chỉ có Bình Phước là có TTSS (2,29) lớn hơn TTSS thay thế, còn tất cả 18 tỉnh, thành phố còn lại đều có TTSS dưới TTSS thay thế. Chỉ có Tây Nguyên có TTSS (2,65) cao nhất cả nước, năm 2009 thì giảm song vẫn còn khá cao, trên TTSS thay thế (2,36).

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-bang-3-6782.jpg

Điều này chứng tỏ mục tiêu điều chỉnh TTSS ở 5/6 vùng cả nước không đạt được. Nếu không có TTSS cao ở 4/6 vùng cả nước bù cho TTSS thấp ở 2/6 vùng thì nước ta đã không giữ được TTSS thay thế suốt 15 năm qua (2009 - 2023).

Nếu từ năm 2023 đến năm 2030 giảm được TTSS ở 4/6 vùng theo yêu cầu của Nghị quyết 21-NQ/TW mà không nâng được TTSS của 2/6 vùng thì Việt Nam chắc chắn sẽ không duy trì được TTSS thay thế vào năm 2030 và các năm sau. Thực tế của Nhật Bản và thống kê trên thế giới đã chỉ rõ, khi các nước chuyển từ thu nhập trung bình thấp lên thu nhập trung bình cao thì TTSS giảm từ trên TTSS thay thế xuống dưới TTSS thay thế, không phải vì người dân nghèo đi, đất nước nghèo đi mà vì các điều kiện để có một gia đình hạnh phúc không đảm bảo, vì có gia đình và nuôi con trở thành gánh nặng tài chính và tinh thần, cản trở phát triển nghề nghiệp nên tỷ lệ người trưởng thành muốn kết hôn ngày càng giảm, số cặp vợ chồng muốn có con ngày càng giảm.

Thực tế cách giải quyết của hầu hết các nước hiện nay trước tình trạng TTSS thấp dưới TTSS thay thế và thiếu lao động kéo dài là không thay đổi các chính sách xã hội, không thay đổi các quy định về nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các vợ, chồng có con và không tuyên truyền một cách đồng bộ, đủ mạnh về ý nghĩa quan trọng của gia đình với bảo tồn nòi giống, với phát triển bền vững của dân tộc để thay đổi được nhận thức và ý chí của người trưởng thành trong việc lập gia đình và có con, mà chủ yếu là nhập cư từ các nước nghèo hơn.

Về tổng thể thì việc này cũng đang diễn ra ở Việt Nam (các tỉnh, thành phố có TTSS dưới TTSS thay thế bù đắp thiếu hụt lao động bằng lao động nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác) nên tình hình TTSS thấp ở 18 tỉnh, thành phía Nam trong 15 năm qua không được cải thiện mà tiếp tục xấu đi. Hơn thế nữa, ngoài 18 tỉnh, thành này thì gần đây thêm 4 tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận có TTSS dưới TTSS thay thế. Như vậy, hiện nay cả nước có 22 tỉnh, thành phố có TTSS dưới 2,03 với dân số là 40,12 triệu người, bằng 40,5% dân số cả nước. Tức là trong 63 tỉnh thành của Việt Nam, 22 tỉnh, thành phố (35%) đã trở thành hố đen dân số ở các mức khác nhau.

Đáng “ngạc nhiên” là tình hình “một quốc gia, 2 khu vực TTSS” của Việt Nam lại rất tương đồng với thế giới hiện nay. 4 khu vực châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Đông Á có TTSS dưới TTSS thay thế với dân số chiếm 40,6% dân số thế giới.

Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức và xây dựng chính sách thúc đẩy và giám sát phát triển xã hội theo hướng coi gia đình hạnh phúc, người dân hạnh phúc, phát triển bền vững về con người là mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, thì Việt Nam tất yếu đi theo con đường mà tất cả nước phát triển đã và đang đi qua: Càng giàu càng mất khả năng duy trì bền vững nòi giống, tăng trưởng kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là không bền vững.

Thực tế biến động TTSS ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra 4 thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-2-1-545.jpg

Tuy về tổng thể, bình quân 20 năm qua TTSS cả nước giữ được xấp xỉ TTSS thay thế (2,08/2,1), song việc đã xuất hiện 22 tỉnh, thành phố là hố đen dân số với 40% dân số Việt Nam là rất đáng lo ngại. Xu hướng thế giới là các nước là hố đen dân số sẽ ngày càng tăng, làm cho TTSS thế giới năm 2000 là 2,7 đã giảm, hiện nay là 2,3 và dự báo đến năm 2034 là 2,1 và năm 2100 là 1,66. Ở Việt Nam, tình hình đang xấu đi theo chiều hướng này. Năm 2021, TTSS là khoảng 2,1, năm 2022 đã giảm còn 2,01 (Tổng Cục thống kê 2023). TTSS của Trung du miền núi phía Bắc năm 2021 là 2,43, năm 2022 giảm còn 2,4; Đồng bằng Sông Hồng giảm từ 2,37 xuống 2,17; Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung giảm từ 2,32 xuống 2,29; Tây Nguyên giảm từ 2,36 xuống 2,31; Tây Nam bộ đáng lẽ phải tăng lại giảm từ 1,82 xuống 1,61.

Ngoài ra, đã xuất hiện 3 ứng viên hố đen dân số mới: Lâm Đồng với TTSS = 2,06, Bắc Kạn với TTSS = 2,07, Quảng Nam với TTSS = 2,09.

Hiện nay GDP/người của Việt Nam khoảng 4.200 USD, tức là sắp chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp sang nước thu nhập trung bình cao (ngưỡng thu nhập trung bình cao theo WB năm 2022 là 4.465 USD), đây chính là giai đoạn TTSS chuyển từ trên TTSS thay thế thành dưới TTSS thay thế. Năm 2021, TTSS của các nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới là 2,6, còn TTSS của các nước thu nhập trung bình cao là 1,6.

Hiện nay TTSS của Việt Nam là 2,08, GDP/người là 4.200 USD. Do đó, có thể dự báo trong giai đoạn 2025-2027, TTSS của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới 2,0 và tiếp tục giảm sau đó, nếu các chính sách về lao động, gia đình, phát triển đô thị vẫn như hiện nay, mục tiêu đảm bảo vững chắc TTSS thay thế từ nay đến 2030 sẽ khó đạt được.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-2-2-929.jpg

Xu hướng cả nước và thế giới là TTSS vùng đô thị thấp hơn nông thôn (năm 2021 TTSS đô thị Việt Nam là 1,64, ở nông thôn là 2,4), nhưng các tỉnh Tây Nam bộ vùng cơ bản là nông thôn lại có TTSS = 1,61 (2022), thấp hơn TTSS của các đô thị cả nước (1,64). Đây là điều bất thường và bất lợi cho sự phát triển của Tây Nam bộ và cả nước mà chưa có các nghiên cứu nào lý giải việc này.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp có diện tích, sản lượng và giá trị hàng hóa nông nghiệp lớn nhất cả nước, song với TTSS = 1,61, thấp xa TTSS thay thế, không thể tái tạo được con người cho vùng đất này, nếu phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ mới rất có thể sẽ bị thiếu lao động.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-bang-4-433.jpg

Ở Việt Nam hiện nay, với TTSS đô thị là 1,64 thì các đô thị chính là hố đen về dân số, còn các vùng nông thôn với TTSS = 2,4 chính là các cánh đồng xanh tốt về dân số, là “hậu phương” sức lao động cho đô thị. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại là hố đen dân số. Cần có nghiên cứu sâu về nguyên nhân TTSS rất thấp của Đồng bằng sông Cửu Long để vừa làm cho vùng này không còn là hố đen dân số, phát triển bền vững dựa trên lao động, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, kinh tế biển, kinh tế năng lượng, vừa góp phần làm cho TTSS của cả nước giữ vững mức TTSS thay thế.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-2-3-6973.jpg

Đô thị hóa là xu hướng phát triển chung của nhân loại. Năm 1950, 29% dân số thế giới sống ở các đô thị, năm 1975 là hơn 38%, năm 2000 là gần 49% và dự báo 2025 là gần 64%. Sự phát triển của Việt Nam đang ở giai đoạn tăng tốc đô thị hóa.

Ở Việt Nam, năm 1989 có 19,4% dân số sống ở đô thị, năm 2000 gần 24%, năm 2010 là 30,5% và năm 2022 là 41%. Mục tiêu phát triển đô thị của Việt Nam là năm 2025 có 45% và 2030 có ít nhất 50% dân số sống ở các đô thị.

Tuy nhiên, diễn biến TTSS ở các đô thị và nông thôn hơn 20 năm qua đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải bổ sung một mục tiêu mới cho quá trình đô thị hóa sắp tới. TTSS ở các đô thị luôn thấp hơn TTSS thay thế, còn TTSS ở nông thôn luôn cao hơn TTSS thay thế. TTSS của cả nước luôn nằm giữa hai TTSS này.

Các số liệu TTSS và tỉ lệ đô thị hóa từ 2001 đến 2021 là dựa vào các tài liệu Việt Nam đã công bố. Số liệu tỉ lệ đô thị hóa 2025, 2030 là mục tiêu của chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. TTSS đô thị và nông thôn 2025 và 2030 ít thay đổi so với 2021.

TTSS cả nước và TTSS 2 vùng đô thị và nông thôn có quan hệ qua công thức (1): TTSS cả nước = TTSS đô thị × Tỉ lệ dân số đô thị + TTSS nông thôn × Tỉ lệ dân số nông thôn (1)

Sử dụng công thức này và các số liệu đã công bố về tỉ lệ đô thị hoá (tỉ lệ dân số đô thị so với dân số cả nước), từ TTSS đô thị và nông thôn sẽ tính được TTSS của Việt Nam. Đối chiếu với TTSS của Việt Nam do Tổng Cục thống kê đã công bố cho thấy các kết quả tính theo công thức trên rất sát số liệu của Tổng Cục thống kê, sai số dưới 1%. Vì vậy chúng tôi dùng công thức này để dự báo TTSS của Việt Nam năm 2025 và 2030, trên cơ sở dự báo TTSS đô thị và nông thôn năm 2025 và 2030. Kết quả là TTSS của Việt Nam năm 2025 khoảng 2,06 và năm 2030 là khoảng 1,95.

Như vậy, nếu không có các thay đổi mạnh mẽ chính sách của nhà nước, điều kiện làm việc của người lao động, quy hoạch đô thị để gìn giữ và phát triển gia đình, qua đó làm tăng mong muốn lập gia đình và có con của người trong tuổi lập gia đình thì TTSS của Việt Nam sẽ xuống dưới TTSS thay thế (dưới 2,0) trong giai đoạn 2025-2027. Mục tiêu chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến 2030 (đảm bảo vững chắc TTSS thay thế từ 2019 đến 2030) không đạt được. Vì TTSS đô thị luôn dưới TTSS thay thế, nên khi tỉ lệ đô thị hóa càng cao thì TTSS cả nước sẽ càng thấp. Một khi các đô thị là các hố đen dân số thì càng đô thị hóa, TTSS cả nước càng giảm và sẽ giảm bền vững dưới TTSS thay thế.

Do đó, để TTSS của cả nước không giảm dưới TTSS thay thế thì các đô thị không thể là hố đen dân số với TTSS ≤ 2,0. Đây chính là yêu cầu mới đặt ra cho mục tiêu quy hoạch đô thị và chính sách phát triển đô thị Việt Nam sau 2025.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-2-4-1136.jpg

Dân số tương lai của một nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Quy mô dân số ban đầu (hiện tại); TTSS các vùng và toàn quốc; Cơ cấu lứa tuổi, giới tính của dân số quốc gia; Chính sách dân số hiện tại và tương lai của Chính phủ và chính quyền địa phương; Quy hoạch và phát triển đô thị thân thiện với phát triển gia đình hạnh phúc; Chính sách và quy định của các doanh nghiệp về điều kiện lao động và trả lương, đào tạo…; Truyền thống văn hóa về vai trò của gia đình, vai trò của vợ và chồng; Thu nhập của người lao động trong tương quan với mức sống tối thiểu; Các điều kiện và chi phí cho việc gửi con đi học, khám chữa bệnh, nhà ở, đi lại…; Chính sách về người nhập cư của Chính phủ và dự báo tình hình nhập cư tương lai; Dự báo về phát triển kinh tế xã hội của các vùng và cả nước; Trình độ văn hóa và đào tạo nghề của phụ nữ ở các địa bàn; Sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và khả năng tiếp cận các phương tiện phòng tránh thai đối với phụ nữ và đàn ông; Tuổi thọ bình quân của người dân ở các vùng và toàn quốc; Tỉ lệ người chết ở các vùng và toàn quốc; Tỉ lệ giới tính khi sinh các vùng và toàn quốc.

Như vậy, dân số tương lai của một nước phụ thuộc ít nhất vào 16 loại yếu tố, trong đó nhiều yếu tố rất khó lượng hóa tác động tới TTSS và dân số (truyền thống văn hóa về gia đình, cuộc sống gia đình; quy hoạch và phát triển đô thị; chính sách dân số tương lai). Đến nay chỉ có 2 nước (Nhật Bản và Hàn Quốc) đã công bố dự báo dân số sau khoảng 700 năm đến 1.000 năm. Trên thế giới, có 3 tổ chức đã công bố dự báo dân số các nước trên thế giới (Cục dân số, Tổng cục kinh tế và xã hội, thuộc Ban thư kí của Liên Hiệp Quốc, công bố từ những năm 1950; Viện quốc tế phân tích các hệ thống ứng dụng của Trung tâm Wittgenstein - Áo, công bố từ những năm 1990; Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington, Seattle, Mỹ, công bố lần đầu 2020). Ba tổ chức này chỉ công bố dự báo dân số đến năm 2100. Trong đó, phương pháp dự báo của Cục Dân số, Liên hợp quốc, là có hạn chế lớn nhất.

Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe đã dự báo TTSS của Việt Nam năm 2100 khoảng 1,5 (1,39) và dân số khoảng 73 triệu năm 2100, không dự báo cho giai đoạn sau 2100. Trong khi đó, dự báo của Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe không xem xét khả năng thay đổi các chính sách của Chính phủ Việt Nam liên quan định hướng phát triển dân số, hỗ trợ gia đình và trẻ em từ 2020 đến 2100. Xuất phát từ thực tế là Nhật Bản và Hàn Quốc đã dự báo dân số của họ đến năm 3000 và 2750, cũng đã có dự báo sơ bộ TTSS và dân số Việt Nam đến năm 2100, để hình dung hậu quả của việc TTSS dưới TTSS thay thế ở Việt Nam sau năm 2027, rất cần một dự báo thô, một ước lượng dân số Việt Nam đến năm 3000. Do dân số phụ thuộc vào 16 yếu tố và không thể dự báo các yếu tố này từ sau năm 2027 đến năm 3000 nên chúng tôi đã xây dựng một phương pháp dự báo thô dân số Việt Nam. Mục đích là nhận ra xu hướng biến đổi dân số, với các giả định về TTSS có thể coi là “hợp lý” với Việt Nam, khi không có thay đổi chính sách của Chính phủ về phát triển dân số so với giai đoạn 2015 - 2023, và tham khảo sự thay đổi TTSS của Nhật Bản và Hàn Quốc giai đoạn 1970 - 2100.

Theo đó, TTSS của Việt Nam năm 2100, 2200, 2300, 2400, và 2500 - 3000 được dự báo là 1,5; 1,4; 1,3 và 1,25. Kết quả dự báo thô dân số Việt Nam với các giả định về TTSS của Việt Nam, có so sánh với TTSS của Nhật Bản, Hàn Quốc giai đoạn 2020-2100 và dự báo dân số của hai nước do chính các cơ quan khoa học của hai nước thực hiện và công bố. Số liệu dân số năm 2100, bên cạnh các số liệu do Nhật Bản và Hàn Quốc dự báo (50 triệu và 20 triệu người) và số liệu dân số Việt Nam do chúng tôi dự báo thô (90,5 triệu). Năm 1800, dân số Việt Nam là khoảng 6 triệu người, Hàn Quốc khoảng 9,4 triệu và Nhật Bản là 30 triệu. Trong 110 năm (1900-2010), dân số Nhật bản tăng vọt từ 44 triệu lên mức cao nhất là 128 triệu (gấp 2,9 lần), Hàn Quốc tăng từ 9,9 triệu lên mức cao nhất 51,8 triệu (gấp 5,2 lần) trong 120 năm (1900-2020), còn Việt Nam trong 150 năm (1900-2050) dân số tăng từ 12 triệu lên mức cao nhất 108 triệu (gấp 9 lần).

Năm 2050, dân số Nhật Bản (100 triệu) và dân số Việt Nam là tương đương (108 triệu). Do TTSS của Việt Nam (1,85) lớn hơn đáng kể TTSS của Nhật Bản (1,36) nên dân số Việt Nam giảm chậm hơn đáng kể so với Nhật Bản. Năm 2100, 2200 và 2300, dân số của Việt Nam và Nhật Bản là: 90,5 triệu và 50 triệu; 47,5 triệu và 10 triệu; 21,6 triệu và 2,6 triệu (bằng 2% dân số Nhật Bản lúc cao nhất 128 triệu năm 2010). Đến 2500, dân số của Việt Nam là 3,6 triệu và của Nhật Bản là 0,25 triệu. Năm 3000, dân số Việt Nam chỉ còn khoảng 32.000 người và dân số Nhật Bản chỉ còn khoảng 62 người.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-bang-5-6203.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-5-7016.jpg
phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-h-5-leg-6819.jpg

Như vậy, nếu chính sách dân số thực tế của Việt Nam sau 2020 không đổi so với thời kì 2015 - 2020, thì một cách sơ bộ có thể dự báo thô: TTSS của Việt Nam sẽ giảm dần từ 2,08 năm 2020 xuống 1,5 vào năm 2100.

Nếu TTSS tiếp tục giảm từ 1,5 xuống 1,25 sau 500 năm, năm 2500 (Hàn Quốc đã đạt giá trị TTSS = 1,24 năm 2100, trước Việt Nam 400 năm, Nhật Bản đã đạt giá trị TTSS = 1,32 từ 2100) thì Việt Nam không thể tránh được nguy cơ tự tiêu vong như Nhật Bản và Hàn Quốc (dân số Việt Nam năm 2500 giảm 97% so với lúc cao nhất năm 2050).

Do TTSS của Việt Nam năm 2020 (2,08) cao hơn đáng kể TTSS của Nhật Bản (1,33) và Hàn Quốc (0,84) nên năm 2500 dân số Việt Nam ước khoảng 3,6 triệu (dân số Nhật Bản là khoảng 0,25 triệu, Hàn Quốc khoảng 0,5 triệu), năm 2700 dân số Việt Nam còn khoảng 0,5 triệu người và năm 3000 khoảng 32.186 người (Nhật Bản 62 người, Hàn Quốc 0 người).

An ninh con người - đảm bảo nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam về số lượng và chất lượng cho đất nước phát triển - phải dựa trên phát triển bền vững con người Việt Nam. Khi lao động và dân số suy thoái, nguy cơ tự tiêu vong thành hiện thực, không có giải pháp nào thay thế được lâu dài. Việc nhập cư để bù đắp thiếu lao động như các nước châu Âu và Bắc Mỹ sẽ bất khả thi sau 2055, vì từ sau 2034 thế giới sẽ là hố đen dân số và sau 2055 là suy thoái lao động toàn cầu.

Như dự báo thô dân số Việt Nam đã chỉ ra, nếu sau 2025 TTSS của Việt Nam giảm dưới TTSS thay thế và không có giải pháp để duy trì được bền vững TTSS ở mức TTSS thay thế thì đến năm 2100, dân số sẽ giảm khoảng 17 triệu người và đến 2150 giảm khoảng 39 triệu người. Không có nguồn lao động nào ở các nước khác sẵn sàng để bù đắp cho thiếu hụt lao động ở Việt nam với quy mô như vậy. Mất an ninh con người là vấn đề bên trong của đất nước, phải được nhận thức sớm, phòng ngừa kịp thời, hiệu quả từ xa. Sau 2055 không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài (người nhập cư) để giải quyết vấn đề này, vì thế giới bước vào thời kì suy thoái lao động.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-3-4661.jpg

Từ xu hướng phát triển không bền vững về con người của thế giới 1970 - 2020 - 2034 - 2064 - 2100, từ phân tích bước đầu nguyên nhân của hiện tượng TTSS thấp dưới TTSS thay thế 100 năm và đối diện nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm của Nhật Bản, từ triển vọng Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 và Chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến 2030 không đạt được mục tiêu cơ bản “đảm bảo vững chắc Tổng tỉ suất sinh thay thế”, từ dự báo thô dân số Việt Nam giai đoạn 2020 - 3000 và nguy cơ tự tiêu vong sau 500 năm, từ truyền thống văn hóa coi trọng gia đình, hạnh phúc gia đình của người Việt Nam chúng ta cần xây dựng Chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025 - 2045 với 5 quan điểm cơ bản sau:

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-3-1-8304.jpg

Còn con người Việt Nam thì mới còn văn hóa Việt Nam, còn đất nước Việt Nam. Nếu đất nước Việt Nam không tái tạo được con người Việt Nam thì đất nước sẽ tiêu vong. Vì vậy những chính sách nào của Nhà nước, chính quyền địa phương, các quy định nào của các doanh nghiệp, tổ chức cản trở, gây thiệt hại cho việc phát triển con người bền vững cần phải được điều chỉnh hoặc loại bỏ ngay.

Để phương thức tăng trưởng kinh tế của đất nước không dẫn tới suy thoái lao động và dân số cần có sự thống nhất cao giữa Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò không thể thay thế của gia đình và các điều kiện cần thiết để gia đình hạnh phúc, đảm bảo vững chắc TTSS thay thế

Tái tạo con người qua phát triển gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế là quan hệ 2 chiều, có sự chi phối của chính sách phát triển quốc gia, các địa phương và hoạt động của doanh nghiệp. Có con người, có lao động đủ số lượng với chất lượng không ngừng nâng cao thì mới có điều kiện phát triển kinh tế bền vững trong cơ chế cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện để xây dựng gia đình hạnh phúc, công dân hạnh phúc. Thực tế ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam (TPHCM) đã chỉ rõ: không phải năng suất lao động cao, không phải GDP/người cao thì đương nhiên gia đình có điều kiện đủ để là gia đình hạnh phúc, để sinh đủ 2 con. Thực tế toàn cầu 50 năm qua là: GDP/người càng tăng thì nguyện vọng người lao động kết hôn và sinh con càng giảm, đi tới xu thế: sau 2034, cả thế giới không đảm bảo TTSS thay thế, sau 2055 suy thoái lao động toàn cầu, sau 2064 suy thoái dân số toàn cầu, cả thế giới là hố đen dân số.

Thực tế của Nhật Bản đã chỉ rõ: thời gian làm việc quá dài, điều kiện phát triển nghề nghiệp của phụ nữ bị hạn chế khi sinh con và nuôi dạy con, việc người vợ có thời gian làm việc nhà, nuôi dạy con gấp 9 lần người chồng, việc chi phí học hành của con và chi phí tiền nhà cao, thiếu chỗ học cho trẻ mầm non… là những yếu tố trực tiếp cản trở mong muốn lập gia đình và có con. TPHCM là nơi có GDP/người cao nhất cả nước, song là nơi có TTSS thấp nhất cả nước từ hơn 20 năm nay, những năm gần đây chỉ ở mức khoảng 1,4 con/phụ nữ. TPHCM là hố đen dân số sớm nhất, lớn nhất cả nước, dù là nền kinh tế lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố (đóng góp khoảng 23% GDP), có năng suất lao động cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,6 lần năng suất lao động Việt Nam).

Bài học từ thực tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam là: cần đảm bảo khi Chính phủ thiết kế mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế, khi các doanh nghiệp quy định chế độ tiền lương và điều kiện lao động, khi quy hoạch đô thị về giao thông, giáo dục, y tế, nhà ở, dịch vụ thì tổng hòa tác dụng của các chính sách, mục tiêu phát triển của Chính phủ, chính quyền địa phương, các quy định của doanh nghiệp, tổ chức và điều kiện sống thực tế của người lao động ở lứa tuổi 22 - 35 không tạo áp lực buộc họ phải lựa chọn và quyết định: muốn duy trì việc làm có thu nhập cần thiết, đủ sống thì phải từ bỏ nguyện vọng có gia đình, hoặc có gia đình thì phải từ bỏ nguyện vọng có 2 con hoặc 1 con. Chỉ khi đó nguyện vọng có gia đình, có 2 con mới có thể trở thành hiện thực với đại đa số người lao động, TTSS được duy trì ở mức TTSS thay thế, đất nước mới phát triển bền vững về con người.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-3-2-2242.jpg

Phân tích diễn biến TTSS và dân số của Nhật Bản hơn 50 năm qua (1970 - 2023), các chính sách, chương trình hỗ trợ gia đình và sinh con của Chính phủ hơn 30 năm (1990-2023), có thể rút ra 2 bài học:

Bài học 1: Do việc thiếu lao động chỉ xuất hiện sau khoảng 20 năm TTSS đã thấp dưới TTSS thay thế, nên nhiều năm sau khi TTSS đã giảm dưới TTSS thay thế, chính phủ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức không có các giải pháp kịp thời, đủ mạnh để đưa TTSS trở lại TTSS thay thế. Thực tế của Nhật bản đã chỉ rõ: khi TTSS bắt đầu giảm dưới TTSS thay thế (1974), đất nước không thiếu lao động, chưa gây hậu quả kinh tế vì sau khoảng 15 - 20 năm sau, các em được sinh ra trước đó mới đến tuổi lao động, lúc đó mới thiếu lao động.

Chỉ từ năm 1995, số người trong tuổi lao động ở Nhật Bản mới giảm. Chính sự chậm 20 năm này, sự lệch pha 20 năm giữa TTSS thấp dưới 2,1 và thiếu lao động thực tế đã làm cho các nhà quản lý đất nước, quản lý chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp chậm nhận ra nguy cơ thiếu lao động lâu dài, nguy cơ TTSS sẽ thấp bền vững dưới TTSS thay thế, nguy cơ đất nước tự tiêu vong.

Vì vậy mà các chương trình của Chính phủ hỗ trợ lập gia đình và sinh con ban hành có phần chậm, quy mô tài chính nhỏ và các doanh nghiệp chưa vào cuộc đủ mạnh để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động nữ có thể vừa có gia đình, có con, vừa có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Kết quả là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ tác dụng thực tế ít, sau hơn 30 năm (1990- 2023) không đem lại sự thay đổi TTSS mong muốn, nước Nhật vẫn đứng trước nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm (dân số năm 2300 dự báo là 4 triệu người, bằng 3% dân số lúc lớn nhất 128 triệu năm 2010).

Bài học 2: Khi các chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em để khuyến khích kết hôn, sinh 2 con trở lên, làm tăng TTSS của Chính phủ tác dụng thực tế thấp, không tăng được TTSS cơ bản, lâu dài đã kéo dài hơn 20 năm (1990 - 2015) thì một bộ phận người dân sẽ thay đổi căn bản quan niệm về gia đình và sinh con “kết hôn và có con là bất lợi cho bản thân, không cần thiết”. Khi các chương trình hỗ trợ kết hôn và sinh con của Chính phủ ít tác dụng kéo dài hơn 20 năm, cùng với quan điểm xã hội chính thống “kết hôn và sinh con là quyền tự do cá nhân, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với Tổ quốc” và thực tế kinh tế trì trệ kéo dài gần 30 năm (1975 - 2023) thì một bộ phận dân cư ngày càng tăng sẽ thay đổi quan niệm của họ về gia đình: từ “gia đình là có ích, có gia đình và có con là hạnh phúc” thành “kết hôn và có con là bất lợi cho bản thân, không cần thiết”. Khi sự thay đổi nhận thức về gia đình như vậy diễn ra, thì việc đảo ngược nhận thức này sẽ rất khó khăn, TTSS tiếp tục tự duy trì ở một mức rất thấp.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-3-3-7891.jpg

Để đất nước có nhân lực bền vững thì TTSS phải bằng hoặc lớn hơn TTSS thay thế. Như vậy một gia đình có 2 người đi làm phải có thu nhập tối thiểu đủ nuôi được 4 người, thì lúc đó họ mới có thể nuôi được 2 con. Thực tế ở TPHCM và nhiều đô thị ở Việt Nam đã chỉ rõ: lương của người lao động, nhất là công nhân không đủ nuôi 2 người nên đa số gia đình không thể nuôi được 2 con, dù họ muốn. Kết quả là TTSS ở TPHCM đã hơn 20 năm dưới 2,1 và những năm gần đây chỉ ở mức 1,4, còn TTSS của các đô thị Việt nam cũng hơn 20 năm dưới TTSS thay thế và TTSS năm 2021 là 1,64. Cho đến nay, gần 50 năm sau thống nhất đất nước, Chính phủ vẫn không công bố mức sống tối thiểu được xác định như thế nào và các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không công bố tiền lương tối thiểu trên cơ sở các quy định về cách tính mức sống tối thiểu của Nhà nước. Nếu điều này không được khắc phục thì không có tiền đề để phát triển con người bền vững ở Việt Nam sau 2025.

phat-trien-khong-ben-vung-vve-dan-so-stit-3-4-6821.jpg

Khi đất nước bị xâm lược, người Việt Nam yêu nước phải sẵn sàng ra trận, dù có thể hi sinh, vì “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong hòa bình, mọi người Việt Nam vẫn phải sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, song thực tế đa số người dân không phục vụ trong quân đội. Trong khi kết hôn và sinh con là quyền tự do của công dân, thì thực tế 50 năm qua trên thế giới đã chỉ rõ: việc kết hôn và sinh con quyết định tương lai tồn vong của đất nước.

Vì vậy, đối với Việt Nam, bên cạnh khẳng định quyền tự do kết hôn và sinh con của công dân, chúng ta cần truyền thông sâu rộng và giáo dục từ phổ thông: để đất nước phát triển bền vững về con người, không có biện pháp nào thay thế được người Việt Nam phải kết hôn và sinh bình quân ít nhất 2,1 con trong mỗi gia đình. Giải pháp tiếp nhận người nhập cư để bù số lao động thiếu hụt như ở các nước châu Âu, châu Mỹ đã làm 50 năm qua sẽ là không khả thi sau 2055, vì sau 2034 thế giới đã là hố đen dân số và sau 2055 suy thoái lao động toàn cầu. Một điều tra xã hội học gần đây ở TPHCM cho thấy, nếu theo mong muốn của người lao động ở tuổi sinh sản thì số con bình quân một gia đình sẽ là 2,08, gần bằng TTSS thay thế. Đây là một tin rất vui, một lợi thế rất quan trọng của Việt Nam, so với xã hội Nhật Bản và nhiều nước khác hiện nay (Hàn Quốc, Singapore, các nước châu Âu…), do truyền thống văn hóa coi trọng gia đình, coi trọng hạnh phúc gia đình khi có con của người Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện về thu nhập, chi phí cuộc sống, cho con đi học, nhà ở, việc làm… không cho phép họ thực hiện nguyện vọng đó. Thực tế TTSS hiện nay ở TPHCM chỉ khoảng 1,4.

Nếu sự vênh giữa mong muốn có 2 con và điều kiện thực tế không thể có được 2 con mà hạnh phúc kéo dài khoảng 20 - 30 năm, thì như bài học của Nhật Bản đã chỉ ra, người trẻ sẽ từ bỏ mong muốn có 2 con hoặc nhiều hơn. Đó là đại họa cho đất nước.

Vì lợi ích quốc gia, vì tồn vong của dân tộc, Nhà nước phải xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững 2025 - 2045 để khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết và các nguyên tắc đảm bảo đất nước phát triển bền vững về con người (về số lượng và chất lượng), xây dựng các chương trình của Chính phủ hỗ trợ gia đình và trẻ em, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của các doanh nghiệp và các tổ chức để xã hội Việt Nam có môi trường chính trị, môi trường kinh tế, môi trường xã hội, môi trường văn hóa hợp lý, khuyến khích đại đa số công dân trẻ Việt Nam lập gia đình và mỗi gia đình bình quân có 2,1 con.

Nếu làm được như vậy các gia đình Việt Nam sẽ là gia đình hạnh phúc với 2 hoặc 3 con, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ công dân yêu nước, đóng góp cho đất nước Việt Nam phát triển bền vững về con người. Thực tế một tỉ lệ nhỏ thanh niên khi trưởng thành không thể có điều kiện sức khỏe, tâm sinh lý để lập gia đình và có con như đại đa số người khác. Xã hội, Chính phủ, chính quyền địa phương cần chia sẻ với họ, không tạo ra áp lực tâm lý, xã hội về việc kết hôn và sinh con.

Việt Nam phấn đấu là nước thu nhập cao vào 2045. TTSS của Việt Nam dự báo sẽ giảm xuống dưới TTSS thay thế vào khoảng năm 2025 - 2027 và sau đó giảm tiếp, TTSS năm 2100 dự báo là khoảng 1,5 và Việt Nam sẽ đối diện nguy cơ tự tiêu vong sau 500 năm, nếu các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển bền vững con người Việt nam không có sự thay đổi. Tức là chúng ta còn khoảng 20 năm để đến thời điểm phải chịu hậu quả của thiếu lao động và để ban hành các chính sách đồng bộ để người trẻ không mất niềm tin và không thay đổi quan niệm về gia đình và sinh con, dẫn đến phát triển không bền vững về con người.

Nếu ngay bây giờ, chúng ta xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững giai đoạn 2025 - 2045 thì Việt Nam có thể vừa đạt mục tiêu là nước thu nhập cao vào 2045, vừa đạt mục tiêu là quốc gia có nhân lực phát triển bền vững thời kì sau 2045 đến cuối thế kỉ 21. Không có một chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững như vậy bây giờ thì áp lực tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn tới suy thoái lao động và dân số, nguy cơ tự tiêu vong sau khoảng 500 năm luôn hiện hữu.

Tin cùng chuyên mục