Yêu cầu tất yếu khi tài nguyên cạn kiệt
Theo nghiên cứu của Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang sử dụng không hiệu quả, theo tính toán, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước. Nhưng trên thực tế, việc sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước chưa bền vững.
Trong tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm, có khoảng trên 80% là sử dụng cho nông nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp. Với mỗi đơn vị mét khối nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Không dừng lại ở đó, việc khai thác quá mức, với công nghệ lạc hậu đang khiến cho nhiều nguồn tài nguyên ngày càng bị cạn kiệt. Từ một nước xuất khẩu than, nhưng đến năm 2015, chúng ta đã phải nhập khẩu than. Dự báo tới năm 2030, nước ta có thể phải nhập khẩu 100 triệu tấn/năm.
Năm 2019, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia nhập siêu dầu thô và nhập rất nhiều nguyên liệu khác như sắt thép các loại, chất dẻo, phụ liệu... phục vụ cho phát triển kinh tế. Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên đã cảnh báo, với tốc độ khai thác tài nguyên như hiện nay “Phải cần thêm một Trái đất” nữa mới đáp ứng nhu cầu đất cho nông nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi. Dự báo đến năm 2040, các nguyên liệu cơ bản như nhiên liệu hóa thạch, thép, thực phẩm và nước sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, theo các chuyên gia, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “Kinh tế truyền thống” sang “Kinh tế tuần hoàn”. KTTH chính là xu hướng phát triển bền vững đạt được cả hai mục tiêu ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Việc chuyển đổi sang nền KTTH là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi này còn đáp ứng các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thông qua bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, như giảm tỷ lệ về suy giảm tài nguyên, đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải; hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh rằng, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang nền KTTH, đây được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. Việc lựa chọn KTTH là xu thế tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững.
Nhiều lợi ích
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Trong thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc phát triển tuần hoàn và mang lại nhiều hiệu quả. Đơn cử như mô hình KTTH tại Công ty Heineken Việt Nam được thực hiện thông qua việc tái tạo trong sản xuất; tái sử dụng trong khâu đóng gói, chẳng hạn như vỏ chai có thể tái sử dụng hơn 20 lần và két đựng bia có thể tái sử dụng trong 10 năm, hay tái sử dụng trong quản lý chất thải như bã bia để chế biến thức ăn gia súc. Việc thực hiện KTTH đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là những người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Năm 2019, Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp vì 99% phụ phẩm, phế phẩm được tái chế sử dụng.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, khẳng định, KTTH đang là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới. Mô hình KTTH giúp tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên được sử dụng trong quá trình sản xuất và hoạt động, từ đó giảm thiểu tác động tới môi trường. Mặt khác, KTTH còn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm này, PGT-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT, cũng cho rằng, KTTH dựa trên cơ sở coi chất thải là tài nguyên, giảm thiểu tối đa chất thải sau sản xuất và tiêu dùng, kéo dài tuổi thọ vật chất thông qua thiết kế để tái sử dụng, tái chế chất thải hướng đến phát thải ra môi trường bằng 0. Mô hình này chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, tránh tạo ra phát thải.