Một số dự án lớn đi vào hoạt động đã kích thích, tạo lực hút dẫn dắt ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.
Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km, có 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, 14 cửa khẩu chính và phụ cùng các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, quốc lộ 22B… đang mở ra triển vọng xây dựng nền NNCNC, phát triển ngành chăn nuôi quy mô lớn. Tây Ninh cũng có hồ Dầu Tiếng cùng với hệ thống kênh mương rất thuận lợi cho chăn nuôi gia súc tập trung, có đàn bò cái chất lượng tốt có thể phối giống để lai tạo đàn bò theo hướng lấy thịt và có nhiều đồng cỏ chăn thả rộng, thức ăn dồi dào với 750.000 tấn rơm rạ, 100.000 tấn ngọn mía, 11.000 tấn bánh dầu, đậu phộng cung cấp cho gia súc, gia cầm. Tây Ninh đã mời gọi được một số dự án chăn nuôi quy mô lớn theo hướng NNCNC, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch mạnh từ trồng trọt sang chăn nuôi, dẫn đắt nền nông nghiệp của tỉnh.
Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh tại xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) với 685ha, quy mô chăn nuôi 8.000 bò, bê cùng kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng là một trong những trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam. Bò sữa được nuôi tại “khu resort” giữa không gian thoáng đãng theo tiêu chuẩn Global G.A.P. về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết. Vinamilk cũng thiết kế hệ thống hồ nước điều hòa nguồn nước và không khí kết hợp với hệ thống làm mát tự động hiện đại tại khu vực chuồng nuôi. Hiện nay, sản lượng sữa tươi nguyên liệu của trang trại đã đạt hơn 100.000 lít sữa/ngày (tương đương gần 40 triệu lít sữa/năm). Nhìn từ trên cao, trang trại được phủ một màu xanh non bạt ngàn của hơn 500ha đồng cỏ và được điều tiết bởi hơn 9 hồ nước với diện tích mặt nước trên 180.000m2, là nơi làm việc lý tưởng dành cho nhân viên, chuyên gia nước ngoài.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Tây Ninh thu hút được 44 dự án đầu tư chăn nuôi, trong đó 35 dự án đầu tư chăn nuôi mới, 9 dự án điều chỉnh tăng vốn là kết quả bước đầu của chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thu hút đầu tư có chọn lọc vào tỉnh.
Xây dựng trang trại quy mô lớn
Tây Ninh hiện có 650 trang trại gia súc với tổng đàn 156.353 con, trong đó có 146 trang trại nuôi heo với khoảng 120.000 con heo nuôi gia công cung cấp cho trường học, bệnh viện, siêu thị, cửa hàng Bách hóa Xanh; các cơ sở giết mổ trên địa bàn và 458 trang trại nuôi bò cung cấp sữa, thịt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh chú trọng phát triển đàn heo cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, tăng đàn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với 550.000 con, heo hơi xuất chuồng đạt 109.000 tấn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tây Ninh cũng khuyến khích phát triển trang trại nuôi bò quy mô lớn, tạo cánh đồng cỏ tập trung để có thức ăn sạch, giá trị dinh dưỡng cao.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025. Đến nay, Tây Ninh đã tiếp nhận 2 dự án, trong đó UBND tỉnh phê duyệt 1 dự án với kinh phí hỗ trợ là 825 triệu đồng và tổ chức nghiệm thu, chi tiền hỗ trợ cho 10/12 dự án với số tiền gần 1,6 tỷ đồng (đạt 83% kế hoạch).
Ngành nông nghiệp Tây Ninh cũng triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2019-2025, xây dựng 13 mô hình chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật nuôi trồng và áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học, quy mô 1.000 con. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân thực hiện 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn bán tại 97 cửa hàng Bách hóa Xanh, siêu thị, cửa hàng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, trong giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và cạnh tranh nông sản (trong đó tập trung phát triển ngành chăn nuôi), xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối bền vững các chuỗi giá trị, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp.