Phát triển nghề đan lát lục bình ở xã vùng sâu

Phát triển nghề đan lát lục bình ở xã vùng sâu

Hiện nay, những làng nghề thủ công mỹ nghệ ở vùng nông thôn Kiên Giang đang có chiều hướng phát triển khá tốt. Những làng nghề này được xem là giải pháp giúp người lao động ở vùng nông thôn tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Nghề đan lát lục bình truyền thống ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu lao động...

Cây lục bình giúp dân nông thôn tăng thu nhập

Về xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, nhìn những con đường bê tông thẳng tắp đã thấy sự đổi thay của vùng quê này. Nhiều ngôi nhà mới khang trang minh chứng cho đời sống người dân thay đổi từng ngày. Nhiều công trình dân sinh cũng đã và đang được đầu tư xây dựng kiên cố. Có được kết quả đó, ngoài chủ trương về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới… thì việc phát triển nghề thủ công đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, cho biết: “Toàn xã có 3.345 hộ với 13.200 nhân khẩu. Những năm qua, địa phương chú trọng phát triển làng nghề thủ công từ cây lục bình để đan các sản phẩm như giỏ xách, thảm, khay giấy, chậu hoa…, vừa góp phần giải quyết việc làm, vừa tạo thu nhập khá cho người dân nông thôn”. Cây lục bình trước đây được xem như cây cỏ dại, gây cản trở lưu thông trên sông, rạch. Từ khi biết khai thác sử dụng nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, thu nhập cho người dân đã tăng lên. Xã tiến hành thành lập làng nghề vào năm 2013 và làng nghề với 70 hộ hoạt động rất hiệu quả. Tính bình quân mỗi lao động có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng (chủ yếu làm trong lúc nhàn rỗi), có khoảng 140 người có việc làm thường xuyên.

Là doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ đan lát lục bình, những năm qua Doanh nghiệp Hoàng Mỹ đã đóng góp đáng kể cho địa phương trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để tạo điều kiện cho bà con làm nghề, doanh nghiệp đã thực hiện giao hàng cho người dân đan lát, sau đó thu gom mang đi tiêu thụ.

Nghề đan lát từ cây lục bình không phải học mà do người này truyền lại cho người kia, cứ thế ai cũng có thể làm được. Nghề này không quá vất vả nên từ người già đến trẻ nhỏ đều làm dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Hành, ngụ ấp 11, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, năm nay gần 70 tuổi cho rằng, nghề đan lục bình rất dễ làm, đan theo khuôn mẫu có sẵn, làm xong giao thành phẩm cho doanh nghiệp. Công việc hưởng lương theo sản phẩm, nếu ai khéo tay làm nhiều thì được hưởng nhiều; do đó, mọi người đều cố gắng để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bản thân bà rất mừng vì công việc phù hợp với tuổi tác, lại cho thu nhập khá.

Hiện tại có nhiều gia đình trong xã làm nghề đan lát lục bình, từ đó đã phát huy thế mạnh của làng nghề. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2016 chỉ còn 9% theo chuẩn nghèo mới, đặc biệt ở ấp 11 không còn hộ nghèo. Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, thời gian tới, xã sẽ tranh thủ cùng các ngành chuyên môn huyện Gò Quao đi tham quan, học hỏi một số nơi thành công trong việc làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình, sau đó sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm, mẫu mã mới nhằm tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, xã sẽ tập trung các nguồn vốn hỗ trợ những hộ làm nghề lục bình để trang bị phương tiện thu hoạch, sân phơi, dụng cụ hấp, sấy khô cây lục bình… giúp làm ra sản phẩm tốt, chất lượng hơn.

VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục