(SGGPO).– Ngày 22-9, Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - Nhu cầu cấp bách” do UBND TPHCM chủ trì, Công ty cổ phần Tri Thức Doanh nghiệp Quốc tế và Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức đã thu hút trên 300 đại biểu các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tham dự. Báo Sài Gòn Giải Phóng là đơn vị bảo trợ thông tin cho hội thảo này.
Ban Tổ chức đã nhận được 53 bài tham luận tập trung phân tích, đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực; công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động và các cơ quan quản lý trong việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển; nhu cầu và dự báo nhu cầu nhân lực chất lượng cao… Mở đầu hội thảo, TS Đinh Sơn Hùng (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) khẳng định, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng, đặc biệt là sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đầu tư vào con người hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 – 2015 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhanh chóng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó tập trung bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động chất lượng cao.
Đánh giá về việc thiếu hụt nguồn nhân lực, các ý kiến cho rằng, việc thiếu thông tin về cung cầu lao động và công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại TPHCM. Chính vì thế, xảy ra trường hợp doanh nghiệp thì kêu thiếu lao động còn người lao động thì tìm không ra việc. Đây là bất cập của thị trường lao động thành phố lẫn của cả nước hiện nay.
Mặc dù tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và đang làm việc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 58% lao động, cao so với cả nước, nhưng lại rất thấp so với yêu cầu chung của sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Chính sách chuyển đổi cơ cấu đầu tư và sản xuất chậm. Do đó, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là những ngành thâm dụng lao động. Một số doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong những ngành chủ chốt của nền kinh tế như điện, nước, xăng, dầu,… thì lại có xu hướng lao động chất lượng cao chuyển sang khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng. Chính sách giữ chân những người tài trong các doanh nghiệp nhà nước hiện chưa được quan tâm đúng mức. Một số lao động được cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không về nước làm việc vì chính sách đãi ngộ chưa tương xứng với khả năng của họ.
Chương trình đào tạo hiện tại chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động; sinh viên, học viên thiếu những kiến thức ứng dụng vào thực tế. Chính vì vậy, khi tham gia vào thị trường lao động thì những sinh viên, học viên mới ra trường thường không thể áp dụng những kiến thức đã được học vào công việc. Các kỹ năng mềm của người lao động trong quá trình đạo tạo cũng còn nhiều hạn chế. Người lao động dù được đào tạo bài bản, nắm vững chuyên môn nhưng khả năng thích ứng công việc chưa cao điều này làm giảm năng suất lao động của người lao động khi có sự thay đổi về công nghệ, công việc.
Theo PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Trong cấu trúc thị trường, vai trò doanh nghiệp như thế nào, đào tạo và hiệu quả nguồn nhân lực ra sao, chứ không phải tập trung chạy đua theo thành tích, đầu vào. Phải nâng cao vai trò thị trường, chứ không cứ tập trung đào tạo, đua nhau mở trường đại học. Nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là cuộc đua bằng cấp mà là lao động có phù hợp với công việc hay không. Không có thị trường cạnh tranh về lao động, khó có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với bài tham luận “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Nhu cầu cấp bách” Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển dẫn chứng, cụm từ “nguồn nhân lực“ trên công cụ tìm kiếm Google, trong 0,1 giây cho ra 65.300.000 kết quả; còn nếu gõ cụm từ “nguồn nhân lực chất lượng cao“ trong 0,1 giây cho ra 29.500.000 kết quả. Những con số đó đã phần nào nói lên tầm quan trọng của nguồn nhân lực, mà đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão và sự hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng ở mọi ngõ ngách của thế giới như hiện nay.
Với khoảng 86 triệu dân, cùng với truyền thống hiếu học được lưu giữ qua nghìn đời, Việt Nam có một nguồn nhân lực khá dồi dào. Tiềm năng tuy lớn nhưng vấn đề khai thác, phát huy tiềm năng vẫn còn không ít bất cập. Mặc dù trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng nhìn chung quy mô phát triển cũng như chất lượng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng và các chế độ, chính sách vẫn còn không ít bất cập; nhận thức của một bộ phận cán bộ - công chức còn hạn chế; trong quá trình triển khai thực hiện chưa thật khoa học, thiếu sự công tâm. Có chỗ có nơi làm cho có hoặc làm ít báo cáo nhiều. Đặc biệt, tình trạng đào tạo xong nhưng chậm bố trí hoặc không bố trí công việc thích hợp còn khá phổ biến, gây nản chí đối với không ít trí thức trẻ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Thế Tuyển, để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phải đồng bộ tiến hành nhiều chính sách, biện pháp, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết.
Báo Sài Gòn Giải Phóng là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM. Trong những năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đã có nhiều nhà báo trẻ được cơ quan tạo điều kiện đi học tập, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ báo chí với các đồng nghiệp trong khu vực ASEAN, Nhật Bản; nhiều nhà báo đã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tại các nước như: Singapore, Australia, New Zealand.
Gần đây, sau một thời gian dài gián đoạn, báo đã mở các lớp đào tạo bồi dưỡng những người viết giỏi, bổ túc tiếng Anh, tiếng Hoa cho đội ngũ cán bộ - phóng viên - biên tập viên và nhân viên; đồng thời mở lớp bồi dưỡng về thiết kế, trình bày báo với các kỹ thuật mới.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có đề án xây dựng một đội ngũ cán bộ - phóng viên - biên tập viên - nhân viên theo hướng có bản lĩnh chính trị vững vàng, đầy nhiệt huyết, giàu trí tuệ để phục vụ cho sự phát triển của tờ báo, từng bước xây dựng và phát triển Báo Sài Gòn Giải Phóng thành tập đoàn truyền thông. Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng tạo mọi điều kiện thuận lợi để CBCNV trong cơ quan tham gia các khóa học nâng cao về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ thuật.
Hiện nay, một số cán bộ-phóng viên-biên tập viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng đang tham gia các khóa đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước và liên kết quốc tế. Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài cho sự phát triển của Báo Sài Gòn Giải Phóng nói riêng, của TPHCM nói chung trong tương lai.
Hồ Việt