Hiện nay rau an toàn Phước An đã có mặt tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Metro, BigC, trong thời gian tới một số mặt hàng sẽ được xuất khẩu. Có được thành quả nổi bật như hôm nay, thật khó tin khi biết rằng Hợp tác xã (HTX) Phước An có vốn khởi nghiệp ban đầu chỉ 8 triệu đồng, đến chiếc xe rùa còn không có.
Tạo dựng niềm tin
Trong một lần đại diện cho HTX Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước An, huyện Bình Chánh, nhận khen thưởng về phát triển kinh tế tập thể, ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm HTX, chia sẻ: “Bây giờ, khi nói đến rau, nhiều người lo ngại gặp rau “bẩn”. Là một doanh nghiệp sản xuất rau sạch, chúng tôi cảm thấy rất bứt rứt về điều này, do đó chúng tôi mong muốn góp phần đem đến bữa ăn an toàn cho mọi nhà”.
Ông Trần Văn Thích, Chủ nhiệm HTX, chia sẻ: “HTX được thành lập vào tháng 6-2006, lúc ấy vốn của anh em gom góp lại chỉ có 8 triệu đồng và có 16 xã viên. Lúc ấy vận động người dân vào HTX còn khó khăn do thiếu thốn đủ thứ nên chưa tạo được niềm tin, nhưng bây giờ thì khác à! Ai muốn vào HTX phải làm đơn, đáp ứng đủ những điều kiện và có trách nhiệm thì mới được vào. Diện tích đất sản xuất lúc đó chỉ 7ha nhưng nay đã lên đến 25ha với 43 xã viên”. Chị Kim Dung là đại lý đầu tiên đến thu mua rau của HTX để bỏ mối cho các trường mầm non, cho biết: “Từ lúc chuyển qua HTX thu mua là tôi bỏ luôn những chỗ trước kia thu mua, bởi rau ở đây vừa gần nhà, vừa rẻ lại vừa an toàn”.
Thành công nhờ bao tiêu sản phẩm
Chia sẻ về những thành quả đạt được, anh Thích nhấn mạnh, sở dĩ HTX thành công và phát triển đi lên là nhờ quản lý được nguồn hàng và dám đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con. Trước khi gieo trồng, bà con đã được ký hợp đồng về sản phẩm, nếu sản phẩm lúc thu hoạch mà thị trường thu mua cao hơn so với giá ký hợp đồng thì HTX sẽ trả thêm cho bà con 80% trong phần cao hơn, còn nếu giá ngoài thị trường thấp hơn so với giá ký hợp đồng, HTX sẽ bù lỗ cho bà con. HTX có 7 tổ sản xuất xoay vòng trong 1 năm, do đó sản phẩm cung cấp ra thị trường lúc nào cũng đầy đủ về chủng loại, đáp ứng được nhu cầu của đối tác.
Anh Năm Lợi, một trong những tổ viên đầu tiên của HTX và cũng là tổ viên làm việc có hiệu quả trong tốp đầu, anh có tổng diện tích đất sản xuất khoảng 5.000m2, trước kia mỗi năm gia đình anh làm được 3 vụ, không có đầu ra nên được mùa, mất giá là chuyện thường xuyên. Đến khi tham gia vào HTX, mỗi năm làm được 7 vụ, tham gia sản xuất chỉ có anh và vợ, nhưng hiện nay mỗi tháng đem lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Thấy anh làm ăn hiệu quả, nhiều tổ viên của các HTX khác đến học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, trong số đó có nhiều hãng thuốc bảo vệ thực vật đến cho không sản phẩm để sử dụng và nhờ giới thiệu cho những hộ khác, nhưng liền bị từ chối, bởi đây là những loại thuốc bảo vệ thực vật không an toàn, khi sử dụng chắc chắn sẽ để lại dư lượng thuốc trên sản phẩm sau thu hoạch. Anh chia sẻ thêm: “Quy trình sản xuất rau an toàn rất nghiêm ngặt, từ khâu gieo trồng cho tới khâu thu hoạch đều phải đúng theo quy trình của Trung tâm Chất lượng thủy sản vùng 2. Sản phẩm sau thu hoạch sẽ được lấy mẫu, nếu bị các đối tác phản ánh về chất lượng thì ban quản lý sẽ truy ra nguồn gốc của sản phẩm ngay tức thì, bởi trên từng sản phẩm đều có đăng ngày xuất hàng và đã lấy mẫu”.
Đã tìm được hướng đi đúng cho HTX, năm 2011 ban lãnh đạo thống nhất thuê một vùng đất hoang xây kho bãi với vốn đầu tư hết 700 triệu đồng, sau đó vay trả góp 1,6 tỷ đồng mua thêm 3 chiếc xe tải. Đến hôm nay, HTX chỉ còn nợ 50 triệu đồng. Từ những thành quả HTX đạt được, nhiều tổ chức đã đứng ra tài trợ giúp bà con phát triển, đồng thời tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, như Trung tâm khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố hỗ trợ 50/50 về máy xới đất, phân bón, bình phun thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Dẫn chúng tôi đi ngang những nhà lưới đang xây dựng, anh Thích phấn khởi nói, chỉ một thời gian nữa thôi, diện mạo của Phước An sẽ thay đổi, hai bên đường sẽ toàn những nhà lưới hiện đại, bây giờ phải phát triển thêm theo hướng xuất khẩu để những nhà lưới đầu tư tới 600 triệu đồng này sớm thu hồi vốn.
QUANG KHOA