Việt Nam đã đúng khi hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp trên nền tảng thủy lợi. Hiện nay đất canh tác lúa được tưới nhờ thủy lợi chiếm 85% diện tích, trong đó, 1,71 triệu ha là tiêu nước chủ động, cao nhất các nước ASEAN. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng về giống lúa khá thành công và triển khai biện pháp “ba giảm” (giảm mật độ sạ, giảm dùng thuốc trừ sâu, giảm bón phân đạm) hiệu quả nên năng suất lúa bình quân năm 2012 là 5.63 tấn/ha, tăng trung bình 2% so với năm 2005, trong khi thế giới đang trong giai đoạn năng suất treo (yield stagnancy) hoặc tăng chậm, dưới 1% /năm.
Trí thức hóa nông dân
Câu hỏi đặt ra, tại sao nông dân trồng lúa Việt Nam vẫn nghèo trong khi họ tạo ra năng suất lúa vào nhóm cao sản và xuất khẩu gạo hạng nhì thế giới? Có thể nói, giá trị sản xuất trên 1ha nông nghiệp không cao, dù bình quân lương thực đầu người cao và diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người quá nhỏ, khoảng 3.000m2 là nguyên nhân làm thu nhập nông dân thấp. Thời gian qua, xuất phát từ nền sản xuất nhỏ, trình độ dân trí hạn chế, nhưng chúng ta đã đạt thắng lợi lớn nhờ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng.
Nhưng đã đến lúc chuyển qua giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Trong đó, không quá nhấn mạnh yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ như lợi thế so sánh mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng. Thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng lớn để tiếp cận công nghiệp hóa. Phẩm chất dinh dưỡng là chiến lược cần phải tiếp cận trong bối cảnh dân số tăng, diện tích nông nghiệp giảm. Phải có chiến lược sản xuất và xuất khẩu gạo hợp lý hơn, bắt đầu từ hạt lúa thay vì hạt gạo như lâu nay. DN gắn kết với nông dân nhiều hơn, đầu tư kho chứa phù hợp để mua từ hạt lúa thay vì mua gạo.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn được xem xét dưới nhiều góc cạnh trong sản xuất lúa ở ĐBSCL với sự lạc quan. Cánh đồng mẫu lớn chứng minh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, tập trung ruộng đất dưới hình thức liên kết giữa nông dân và DN, tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng, hướng đến phát triển bền vững theo hướng “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”.
Phát triển theo chiều sâu đối với nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chọn tạo giống, bảo vệ thực vật, môi trường sinh thái... Nhằm hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao với nông sản làm ra có sự cạnh tranh tốt, thỏa mãn được những yêu cầu trong hội nhập, xuất khẩu, cũng như phục vụ nội tiêu, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, giảm hiện tượng di dân vốn tạo sức ép quá lớn vào thành thị. Sản xuất nông nghiệp trên cơ sở “trí thức hóa nông dân” với vai trò quan trọng của khuyến nông và mục tiêu cuối cùng là an sinh xã hội và thu nhập cao của nông dân. Đầu tư chiều sâu trước hết là tăng mức đầu tư cho nông nghiệp thay vì chỉ chiếm 5% - 6% ngân sách nhà nước/năm như thời gian qua, bằng 3% - 6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Mức đầu tư nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vào khoảng 6USD/ha/năm, con số này ở Philippines gấp 7 lần, Thái Lan gấp 10 lần, Hàn Quốc hơn 10 lần...
Không thể thiếu hợp tác hóa
Kinh tế hợp tác chưa phát triển khiến các nông hộ nhỏ khó tiếp cận thông tin thị trường nên khả năng cạnh tranh yếu, tiếp cận khoa học công nghệ cũng thấp, nên chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường. Giờ đây chúng ta đang cố gắng thuyết phục nông dân tập hợp lại, thuyết phục DN giúp nông dân xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy trình canh tác lúa hợp lý. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát huy những giá trị bước đầu, cần có chính sách nhà nước hỗ trợ thích đáng, nhưng thực tế cho thấy, số DN có khả năng vốn mạnh và mặn mà với mô hình này không nhiều. Không thể kêu gọi DN chung chung khi xác suất đầu tư vào nông nghiệp hoàn vốn chậm, rủi ro lại cao. Nhìn vào nguồn vốn đầu tư FDI và ODA vào nông nghiệp và công nghiệp những năm qua cho thấy, đây không phải là lĩnh vực được DN nước ngoài quan tâm nhiều.
Trình độ thâm canh của nông dân Việt Nam được nhiều nước ngưỡng mộ, nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ, bị chia cắt bởi thị trường lớn. Nông hộ với tâm lý ngán ngại tham gia vào việc hợp tác hóa vốn có những dấu ấn không mấy tốt đẹp trước đây nên họ càng bị cô lập và trở thành nạn nhân của thị trường đầy biến động. Cánh đồng mẫu lớn là giải pháp trước mắt, nhưng về lâu dài vẫn phải hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách ưu đãi thật sự nhằm hấp dẫn nông dân vào. Tổ chức lại sản xuất là yêu cầu bức thiết sản xuất lúa ở ĐBSCL theo hướng hợp tác hóa mới có thể phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, quy mô lớn, bao gồm cả khâu tồn trữ, chế biến, lưu thông; từ đó mở thêm ngành nghề khác trong nông thôn.
Quá trình chuyển lao động ra khỏi nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng diễn ra rất chậm, thể hiện tiến trình phát triển công nghiệp và đô thị chưa gắn kết với phát triển nông thôn. Khả năng tạo việc làm ở lĩnh vực công nghiệp không đáng kể, chỉ thu hút 2% nhu cầu, dịch vụ là 33% việc làm mới, còn lại trên 50% lao động tăng thêm dồn vào nông nghiệp. Khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm, bình quân 3,6%/năm, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống nông thôn và chưa trở thành nguồn thu nhập quan trọng cho cư dân nông thôn. Trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL, lúa gạo vẫn là sản xuất chính, cây màu chỉ 5% - 7% diện tích gieo trồng (cả nước 15%), chăn nuôi 10% - 13% giá trị nông nghiệp (cả nước 21%). |
CÔNG PHIÊN ghi
GS-TS BÙI CHÍ BỬU
(Nguyên Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam)